Trong phần thủ tục phiên tòa, bà Dương Thị Bạch Diệp yêu cầu hội đồng xét xử thay đổi kiểm sát viên Trịnh Thị Lan Anh (đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa), vì cho rằng kiểm sát viên này có dấu hiệu không khách quan trong quá trình giải quyết vụ án. Sau khi hội ý, thay mặt hội đồng xét xử, thẩm phán Phạm Lương Toản, chủ tọa phiên tòa tuyên bố không chấp nhận yêu cầu của bà Diệp vì yêu cầu trên không có căn cứ pháp luật. Trước đó, trong quá trình điều tra, bà Diệp cũng đã có đơn yêu cầu thay đổi kiểm sát viên, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã có thông báo bác yêu cầu này.
Đại diện nhóm luật sư bào chữa cho bà Dương Thị Bạch Diệp yêu cầu triệu tập thêm một số cá nhân không được xác định là người có quyền lợi, liên quan đến vụ án tham gia phiên tòa. Đối với yêu cầu này, chủ tọa phiên tòa cho biết, theo quy định về phạm vi xét xử vụ án, hội đồng xét xử chỉ triệu tập những người có liên quan để làm rõ những tình tiết trong vụ án. Đồng thời, trong hồ sơ đã có lời khai rất rõ của những người này. Do đó, hội đồng xét xử xét thấy không cần thiết triệu tập họ theo yêu cầu của luật sư. Tuy nhiên, trong quá trình xét hỏi, nếu thấy cần thiết, hội đồng xét xử sẽ triệu tập bổ sung.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài) yêu cầu triệu tập ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM; vì theo luật sư Nghĩa, những quyết định quan trọng dẫn đến hậu quả của vụ án đều diễn ra sau thời điểm ông Nguyễn Thành Tài về hưu và ông Nguyễn Hữu Tín thay nhiệm vụ của ông Tài. Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc triệu tập ông Tín đến phiên tòa sẽ giúp làm rõ nhiều tình tiết trong vụ án. Tuy nhiên, yêu cầu này không được chấp nhận.
Lúc 10 giờ 10 phút, phiên tòa bước sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM đang công bố bản cáo trạng. Theo cáo trạng, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM, được UBND TPHCM giao quản lý sử dụng nhà đất 185 Hai Bà Trưng, quận 3 làm trụ sở làm việc, nơi biểu diễn nghệ thuật. Năm 2008, bà Dương Thị Bạch Diệp bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với ông Vy Nhật Tảo hoán đổi tài sản 57 Cao Thắng, quận 3 (tài sản của Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) với tài sản 185 Hai Bà Trưng, quận 3 (tài sản của Nhà nước).
Trong quá trình hoán đổi hai tài sản, bà Diệp đã có hành vi gian dối, cung cấp bản photo Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà tại số 57 Cao Thắng cho Ban chỉ đạo 09 TPHCM thể hiện chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch bảo đảm, trong khi tài sản này đã được thế chấp vay 8.700 lượng vàng tại Agribank TPHCM. Đồng thời, bà Diệp không thông báo tài sản trên đang thế chấp tại ngân hàng cho các cơ quan chức năng, mà chỉ cam kết với Agribank TPHCM rằng sau khi hoán đổi xong, tài sản 185 Hai Bà Trưng sẽ thay thế tài sản 57 Cao Thắng làm tài sản đảm bảo chung cho các khoản vay của Công ty TNHH Diệp Bạch Dương tại Agribank TPHCM.
Tuy nhiên, sau khi được cấp Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp không thực hiện cam kết, đem tài sản này thế chấp vay vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín). Như vậy, Nhà nước đã mất quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng và không xác lập được quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đối với tài sản 57 Cao Thắng. Cáo trạng xác định bà Diệp chiếm đoạt tài sản của Nhà nước tại 185 Hai Bà Trưng có giá trị 186 tỷ đồng.