Luật sư bào chữa cho ông Trần Vĩnh Tuyến: Xác định thiệt hại 672 tỷ đồng là không có căn cứ

Theo luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho ông Trần Vĩnh Tuyến, trong vụ án này, hậu quả thiệt hại của vụ án mà cáo trạng xác định 672 tỷ đồng là không có căn cứ. Tài sản này vẫn do UBND TPHCM kiểm soát bởi đã chấm dứt việc chuyển nhượng từ trước khi khởi tố vụ án. 
Ngày 15-12, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử 19 bị cáo trong vụ chuyển nhượng trái pháp luật dự án khu nhà ở tại khu phố 4 (phường Phước Long B, quận 9, nay thuộc TP Thủ Đức, TPHCM), gây thất thoát hơn 672 tỷ đồng. Phiên tòa diễn ra với phần tranh luận giữa viện kiểm sát và các luật sư, bị cáo.
Luật sư bào chữa cho ông Trần Vĩnh Tuyến: Xác định thiệt hại 672 tỷ đồng là không có căn cứ ảnh 1 Bị cáo Lê Tấn Hùng và các bị cáo khác trong vụ án. Ảnh: HÀ CHUNG
Đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đánh giá sai phạm của các bị cáo trong vụ án này đã rõ, từng bị cáo là thành viên của Tổng Công ty Nông Nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (viết tắt Sagri) đến hội đồng thẩm định giá, cán bộ Văn phòng UBND TPHCM tham mưu đến người ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án mà không thẩm định giá theo giá thị trường.
Theo đó, hậu quả của vụ án vẫn chưa khắc phục, quyền sử dụng đất vẫn chưa được thu hồi. Việc huỷ hợp đồng chuyển nhượng có công chứng phải do tòa tuyên huỷ, đến nay hợp đồng chuyển nhượng vẫn còn. Từ đó, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa khẳng định vụ án có thiệt hại.
Luật sư bào chữa cho ông Trần Vĩnh Tuyến: Xác định thiệt hại 672 tỷ đồng là không có căn cứ ảnh 2 Luật sư bào chữa cho rằng, ông Trần Vĩnh Tuyến không đổ lỗi cho ai trong vụ án này. Ảnh: HÀ CHUNG
Trong phần đối đáp, luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho ông Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) cho rằng trong suốt các phiên tòa, ông Trần Vĩnh Tuyến luôn nhìn nhận trách nhiệm của mình khi ký quyết định chấp thuận cho chuyển nhượng dự án. Việc này có thiếu sót trong rà soát, kiểm tra đôn đốc các bước triển khai của các sở, ngành và các bên chuyển nhượng. Ông Trần Vĩnh Tuyến không đổ lỗi cho ai.
Theo luật sư, trong vụ án này, hậu quả thiệt hại của vụ án mà cáo trạng xác định 672 tỷ đồng là không có căn cứ. Tài sản này vẫn do UBND TPHCM kiểm soát bởi đã chấm dứt việc chuyển nhượng từ trước khi khởi tố vụ án.
Cụ thể, UBND TPHCM đã ban hành quyết định huỷ quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án, cũng như hai bên (Sagri) và Tổng Công ty CP Phong Phú đã tự nguyện thỏa thuận huỷ hợp đồng chuyển nhượng dự án, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất. Tài sản này vẫn thuộc về nhà nước.
Bào chữa cho ông Trần Vĩnh Tuyến, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, việc thoả thuận tự nguyện chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng dự án giữa Sagri và Tổng Công ty CP Phong Phú hoàn toàn phù hợp với pháp luật. Không có căn cứ nào cho rằng do hợp đồng đã công chứng thì phải do toà án giải quyết mà các bên không thể tự thoả thuận huỷ bỏ hợp đồng. Nói cách khác, trong vụ án này, toàn bộ giao dịch chuyển nhượng đã bị hủy bỏ, tài sản nhà nước là giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác gắn liền với đất đối với dự án của Sagri đã không bị mất đi và Tổng Công ty CP Phong Phú không thể đương nhiên trở thành sở hữu giá trị quyền sử dụng đất của dự án.
Trước đó, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị mức án từ 7-8 năm tù đối với bị cáo Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bị cáo Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc Sagri) bị đề nghị tổng mức án từ 26-30 năm tù cho hai tội danh “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Các bị cáo còn lại trong vụ án bị đề nghị từ 36 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 28 năm tù.

Tin cùng chuyên mục