Sáng 23-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu đợt 2 phiên họp thứ 37, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Chính phủ, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình 422/TTr-CP về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, từ khi luật năm 1999 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 và năm 2014 có hiệu lực thi hành đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành (như Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Bộ luật Lao động; Luật Nhà ở; Luật Bảo hiểm xã hội...) nên cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc ban hành luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
“Việc sửa đổi, bổ sung luật bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, kịp thời khắc phục vướng mắc, bất cập của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng và một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sĩ quan”, ông Lê Tấn Tới nhận định.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, hồ sơ dự án luật bảo đảm các yêu cầu quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.