Báo cáo giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) của Ngân hàng Nhà nước vừa được gửi đến các vị ĐBQH ngày 31-10, ngay trước phiên thảo luận tại phiên toàn thể về dự án Luật này (sáng 1-11).
Báo cáo nêu rõ, tại phiên thảo luận tổ ngày 24-10, nhiều ý kiến lo ngại nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo tại Việt Nam rất lớn và đề nghị cân nhắc điều chỉnh vấn đề này tại dự thảo luận nhằm hạn chế rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố trong lĩnh vực này. Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng nếu đưa quy định về tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền thì đã thừa nhận các loại hình này trong khi chưa có khuôn khổ pháp lý. Với những loại hành vi mới phát sinh, Điều 16 dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành nghị định để xử lý vấn đề mới phát sinh.
Phản hồi loại ý kiến này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo (ngoài các hoạt động cụ thể đã được nêu trong luật).
Đồng thời, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, dự thảo luật bổ sung nội dung “Chính phủ quy định các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Thảo luận tại tổ, có ý kiến cũng đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề tiền ảo, để có phương án tiếp cận linh hoạt, thận trọng. Ngân hàng Nhà nước cho hay, năm 2017, Thủ tướng ban hành Quyết định 1255 phê duyệt đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Bộ Tư pháp được giao chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng về tiền ảo và lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tiền ảo, tài sản ảo. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính làm đầu mối triển khai nhiệm vụ “xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tiền ảo, tài sản ảo” và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn giao dịch của các sàn giao dịch tài sản ảo, tiền ảo.
Liên quan đến ý kiến khác về lượng hoá tối đa các mức độ rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước giải trình: dự luật hiện đã lượng hoá tối đa các tiêu chí, như mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng; các giao dịch phải thực hiện nhận biết khách hàng với nhóm tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính, mức giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước, quốc tế phải báo cáo…
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định liên quan tới kiểm soát khách hàng giao dịch không qua ngân hàng, bởi thực tế nhiều giao dịch dùng tiền mặt trao đổi để tránh bị thu thuế (giao dịch mua nhà, mua bất động sản…), Ngân hàng Nhà nước giải thích, việc kiểm soát thanh toán không dùng tiền mặt không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống rửa tiền. Thay vào đó các giao dịch không dùng tiền mặt được rà soát, nghiên cứu, quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành (chẳng hạn như Luật Kinh doanh bất động sản…).
Về giám sát giao dịch đặc biệt, có ý kiến đề nghị không chỉ các giao dịch có giá trị lớn, bất thường hoặc phức tạp, mà giao dịch số lượng nhiều, tần suất lớn trong thời gian ngắn, dù giá trị không lớn vẫn cần phải báo cáo về hoạt động rửa tiền. Ngân hàng Nhà nước cho biết, Điều 20 của dự thảo Luật chỉ đề cập tới giám sát đặc biệt một số giao dịch, trong đó có giao dịch giá trị lớn, phức tạp. Với giao dịch số lượng nhiều, hoặc với tần suất lớn trong thời gian ngắn, giá trị không cao thuộc một trong các dấu hiệu đáng ngờ được quy định tại Điều 28, tức là khi phát sinh, đối tượng báo cáo cần thu thập, phân tích thông tin thêm để xem xét việc báo cáo giao dịch đáng ngờ.