Luật Nhà giáo sẽ điều chỉnh cả giáo viên người nước ngoài

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật Nhà giáo dự kiến áp dụng đối với nhà giáo được tuyển dụng, làm việc toàn thời gian trong các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (không phân biệt công lập, tư thục, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài).

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của các ủy ban của Quốc hội đối với dự án Luật Nhà giáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 8-10, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hồ sơ dự án luật đã được bổ sung, làm rõ những chính sách nâng lên từ quy định của văn bản dưới luật; những chính sách quy định lại từ các luật chuyên ngành hiện hành; những chính sách mới của dự thảo luật... Đặc biệt, dự án đã được bổ sung nội dung đánh giá tác động về tài chính, ngân sách đảm bảo điều kiện thi hành luật khi được thông qua.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Luật Nhà giáo áp dụng đối với nhà giáo được tuyển dụng, làm việc toàn thời gian trong các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (không phân biệt công lập, tư thục, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài).

Trên cơ sở đó, các chính sách trong dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng, ngoài các điều, khoản quy định chung, còn một số nội dung chính sách được thiết kế riêng cho từng nhóm đối tượng: nhà giáo công lập (gồm chế tài theo luật viên chức và các quy định riêng); nhà giáo ngoài công lập; nhà giáo người nước ngoài (gồm chế tài theo Bộ luật Lao động và các quy định riêng).

Liên quan đến quy định về đánh giá nhà giáo, Bộ trưởng nêu rõ, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo được chỉnh lý theo hướng quy định những nội dung riêng về đánh giá định kỳ đối với nhà giáo (thời điểm đánh giá theo năm học, không theo năm hành chính, nội dung đánh giá căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo); còn quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn xếp loại nhà giáo thực hiện theo pháp luật về viên chức (với nhà giáo công lập) hoặc pháp luật về lao động và quy chế của cơ sở giáo dục (đối với nhà giáo ngoài công lập).

Về các chính sách đối với nhà giáo, người đứng đầu ngành GD-ĐT khẳng định, đối với những nội dung chính sách còn nhiều ý kiến khác nhau, Chính phủ đã đưa ra khỏi dự thảo (quy định về áp dụng luật nhà giáo, về tổ chức xã hội nghề nghiệp của nhà giáo, về chuẩn người đứng đầu các cơ sở giáo dục...). Một số nội dung chính sách (quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ đối với nhà giáo) được rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.

ĐỊNH .jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận, dự thảo lần này đã khắc phục được nhiều điểm “gợn” của dự thảo trước liên quan đến Luật Viên chức, Luật Sĩ quan quân đội… nhưng lại có một số quy định “cứng”, không trên tinh thần tạo điều kiện tốt hơn cho nhà giáo (ví dụ quy định về thuyên chuyển công tác).

“Cứ cái gì tốt hơn cho nhà giáo là tôi ủng hộ, nhưng cũng không nên đưa vào những quy định khiến người khác nhìn nhận như “đặc quyền, đặc lợi”, không phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội (vừa được Quốc hội thông qua), Bộ luật Lao động”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Dự thảo luật cần tạo ra mặt bằng chế độ, chính sách tương đối bình đẳng đối với nhà giáo trong và ngoài công lập, thực để hiện phương châm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Bày tỏ quan ngại về những phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống về một số vụ việc ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của giáo viên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo chú trọng bổ sung, hoàn thiện quy định về đạo đức nhà giáo.

“Luật đã có quy định, nhưng còn ngắn và sơ sài. Chưa bao giờ thầy cô giáo là người giàu trong xã hội, nhưng qua nhiều thời kỳ, hình ảnh người giáo viên rất tốt đẹp”, bà Hải tâm tư và cho rằng; không thể lấy lý do khó khăn, thu nhập thấp… để biện minh cho những việc làm chưa đẹp, thậm chí vi phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng dự thảo luật không nên dàn trải mà chỉ nên tập trung vào một số chính sách trọng tâm.

Tin cùng chuyên mục