Luật Ngân hàng: Những đòi hỏi từ hội nhập kinh tế quốc tế

Đó là chủ đề của cuộc hội thảo do Tạp chí Công nghệ Ngân hàng (CNNH) của Trường Đại học Ngân hàng (ĐHNH) TPHCM và Ban soạn thảo luật (BSTL) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp tổ chức. Đây là vấn đề thời sự nóng hổi liên quan đến tác động của việc Việt Nam gia nhập và thực thi các cam kết WTO đến những đòi hỏi bức xúc phải điều chỉnh Luật NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) hoặc xây dựng một bộ luật ngân hàng mới.

TS Lê Xuân Nghĩa, Trưởng BSTL của NHNN cho biết, để chuyển NHNN thành Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) hiện đại, thông báo của Bộ Chính trị và quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện 11 dự án lớn, trong đó có dự án xây dựng Luật NHNN mới liên quan trực tiếp đến mô hình NHTƯ.

Vấn đề cốt lõi trong việc xác định mô hình NHTƯ là vị thế của NHNN trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ. Kinh nghiệm thực tiễn của các nước cho thấy, một NHTƯ không thể cùng một lúc đạt được hai mục tiêu, vừa ổn định giá cả (chống lạm phát) vừa ổn định tỷ giá hối đoái.

Trên thực tế, việc ổn định tỷ giá hối đoái là quyết sách có ý nghĩa chiến lược đối với tất cả các nước đang phát triển. Tỷ giá hối đoái tương đối ổn định để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Nghĩa là để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cần thiết. Tất nhiên, việc ổn định tỷ giá hối đoái trong điều kiện cung ngoại tệ từ xuất khẩu, kiều hối và dòng đầu tư nước ngoài đổ vào chắc chắn làm tăng cung ứng tiền kể cả tín dụng dẫn tới sức ép lạm phát lớn.

Nói cách khác, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, chúng ta buộc phải chấp nhận lạm phát ở mức độ nhất định có thể kiểm soát được. Trái lại, về bản chất kinh tế, một NHTƯ được gọi là độc lập khi và chỉ khi NHTƯ và chính sách tiền tệ của nó chủ yếu nhằm chống lạm phát, ổn định giá cả. Đây là trường hợp NHTƯ của các nước phát triển, có cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi.

Như vậy, chừng nào còn cần phải gắn chính sách tiền tệ với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đây là một sự lựa chọn đúng đắn đã được các nhà kinh tế trong nước và quốc tế khẳng định cho giai đoạn hiện nay và trong trung hạn, thì về mặt chính sách NHNN chưa thể có vị thế tự chủ, bất luận là nó được đặt trong Chính phủ hay thuộc Quốc hội. Luật NHNN lần này được xác định có thời hạn hiệu lực đến khoảng 2015.

Trong thời gian này, chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước vẫn hướng mạnh vào tăng trưởng kinh tế trên cơ sở nhập quốc tế và chưa thể thực hiện chính sách thả nổi tỷ giá hối đoái. Vì thế, Luật NHNN mới về cơ bản không thể xây dựng mô hình NHTW độc lập, mà chủ yếu hướng vào việc phát triển NHNN thành NHTW có năng lực thực thi chính sách tiền tệ hữu hiệu, với công cụ chính sách tiền tệ tiên tiến, có năng lực giám sát an toàn hệ thống ngân hàng theo chuẩn mực của Ủy ban Basel (giám sát rủi ro), có hệ thống thanh toán hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, có hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý (MIS) hiện đại. Áp dụng các chuẩn mực quản trị minh bạch, có đội ngũ nhân lực trình độ cao và chuyên nghiệp…

Chuẩn bị tốt các tiền đề cần thiết để chuyển sang cơ chế điều hành chính sách tiền tệ theo “lạm phát mục tiêu” gắn với cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi có kiểm soát và hệ thống giám sát rủi ro hỗn hợp cho toàn bộ thị trường tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) vào sau 2015.

Trên cơ sở đó, mô hình NHNN được thiết kế bảo đảm những nguyên tắc cơ bản là phù hợp với tiến trình đổi mới kinh tế của đất nước; phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của NHNN trước Chính phủ và Quốc hội.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Nhung, Hiệu phó Trường ĐHNH TPHCM kiêm Tổng Biên tập Tạp chí CNNH, ngày 26-12 cách đây đúng 10 năm, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký lệnh công bố hai luật ngân hàng: Luật NHNN và Luật các TCTD. Hai luật này chính thức có hiệu lực từ 1-10-1998.

Sau hơn 9 năm thực hiện, với một lần bổ sung sửa đổi vào năm 2004, hai luật ngân hàng đã thực sự phát huy được tầm quan trọng về vai trò của nó đối với sự nghiệp của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đó là, lạm phát được kiểm soát, các nguồn lực về vốn, nguồn lực lao động xã hội cho đầu tư phát triển không ngừng được huy động với quy mô ngày càng lớn, chất lượng ngày càng cao, góp phần tích cực cho việc duy trì sự tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao trong nhiều năm liên tục.

Dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú và phức tạp của mọi chủ thể trong nền kinh tế… Có thể khẳng định rằng những đóng góp to lớn của hai luật ngân hàng trong thời gian qua là không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng biết rất rõ hai luật ngân hàng ra đời trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế châu Á đang diễn ra, mà ngòi nổ bắt đầu từ Thái Lan vào ngày 2-7-1997, một số ngân hàng thương mại nước ta cũng có những chao đảo tương tự…

Trong bối cảnh đó hai luật ngân hàng thể hiện quan điểm chặt chẽ hơn, thiên về việc bảo đảm an toàn nhiều hơn là sự chủ động và năng động sáng tạo… của các ngân hàng. Song cũng với thời gian 10 năm, kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế trong nước cũng có nhiều thay đổi, Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới ngày càng mạnh mẽ và toàn diện, biểu hiện rõ nhất là trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. Điều này hứa hẹn tạo nên một làn sóng kinh tế mới năng động, đầy tiềm năng nếu như chúng ta biết tạo nên một môi trường kinh tế thuận lợi sẵn sàng tiếp nhận những vận hội mới.

Trong đó những kiến thức, kinh nghiệm quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng luôn là mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, cũng như các ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh hiện nay, hành lang pháp lý cao nhất của ngành ngân hàng đòi hỏi phải có sự thay đổi cho phù hợp, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi cho các ngân hàng có thể tồn tại và phát triển trong thế cạnh tranh cực kỳ cam go mới.

ANH KHUÊ

Tin cùng chuyên mục