Ngày 30-6, Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức (gọi tắt là Luật) – những điểm mới và định hướng áp dụng”.
Hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia pháp lý, cán bộ, công chức… trong cả nước. Trên tinh thần khoa học, các đại biểu đã trao đổi về các quy định mới liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, dự liệu những vướng mắc có thể bắt gặp khi Luật có hiệu lực từ ngày 1-7, từ đó đưa ra kiến nghị khoa học để cơ quan có thẩm quyền tham khảo.
Chưa cụ thể hóa chuyển đổi nền công vụ sang chế độ việc làm
Phát biểu đề dẫn khai mạc, PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật TPHCM, nêu ra các vấn đề nổi bật cần được phân tích thấu đáo. Đó là: Việc thu hẹp phạm vi công chức, vì sao không coi những người lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập là công chức? Làm sao để tuyển dụng được người tài và đánh giá công chức, viên chức một cách công bằng, không cào bằng; những vấn đề đặt ra trong việc bỏ hợp đồng làm việc không thời hạn của viên chức; các biện pháp bảo đảm việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức và cơ sở nào để xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu…?
Cả nước có khoảng 300.000 công chức và có đến 2,5 triệu viên chức. Luật về cán bộ, công chức, viên chức là một trong số ít các văn bản nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi sự điều chỉnh của Luật này không chỉ ảnh hưởng đến cán bộ, công chức, viên chức mà còn liên quan đến hiệu quả công vụ, nền hành chính và thông qua đó tác động đến quyền, lợi ích của người dân. Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá, Luật đã có nhiều quy định mới, có phần táo bạo và cấp tiến, đáp ứng được nhu cầu quản lý nhân sự trong khu vực công. Bên cạnh những nội dung tiến bộ, Luật mới cũng có nhiều điều, khoản mà nếu không được quy định chi tiết, khoa học, đầy đủ, kịp thời, phù hợp thì cũng là một trở ngại lớn khi áp dụng vào thực tiễn.
Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo, Trường Đại học Luật TPHCM, quy định của Luật về nghĩa vụ của cán bộ, công chức vẫn rất giống các khẩu hiệu, không thấy tính chất pháp lý vì nêu rất chung chung. Quy định về tuyển dụng công chức cũng chung chung, chưa cho thấy khả năng hạn chế hay loại bỏ được những tiêu cực trong tuyển dụng vốn phổ biến trong thời gian qua. Luật cũng chưa thực sự chuyển hóa được quan điểm và chủ trương về chuyển đổi nền công vụ sang chế độ làm việc vốn đã thực hiện 10 năm nay. Ngoại trừ quy định về yêu cầu tuyển dụng theo vị trí việc làm và đánh giá theo vị trí việc làm, thì các nội dung khác của chế độ công vụ việc làm chưa được bổ sung, làm rõ bằng các quy định cụ thể. “Tại sao không quy định các tiêu chí, phương thức, yêu cầu về đánh giá cán bộ, công chức một cách rõ ràng, định lượng hơn? Liệu từ nay việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức có thực sự bớt hình thức không? Chính phủ cần quy định quy trình tuyển dụng chặt chẽ hơn, loại trừ hoàn toàn yếu tố tác động của người có thẩm quyền”, ông Nguyễn Cảnh Hợp đề nghị.
“Ngày nay, người ta nói nhiều về vấn đề đưa tinh thần doanh nghiệp vào trong lĩnh vực công, nghĩa là cần có sự lựa chọn gay gắt, cạnh tranh, đào thải, đãi ngộ, thăng tiến công bằng theo năng lực… Đây là xu hướng tất yếu và tiến bộ. Có vẻ tư duy mới này hầu như chưa được thể hiện rõ trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, dù đã được sửa đổi, bổ sung”, PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp nhận xét và đề nghị “Hãy tham khảo các doanh nghiệp tuyển dụng như thế nào”!
Theo ông Nguyễn Cảnh Hợp, chính sách tiền lương chưa được đề cập trong lần sửa đổi này là điều đáng tiếc. Việc kiểm soát hoạt động công vụ, vấn đề trách nhiệm giải trình chưa có cơ chế rõ ràng, đủ khắt khe và đủ hiệu quả. “Chúng ta lên án tham nhũng vặt, mà không có vũ khí đủ sắc bén để buộc các “con thú lớn” sa bẫy, từ đó biết sợ hãi”, PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp bình luận.
Còn vướng mắc khi “xử” cán bộ đã về hưu
Đánh giá luật mới có nhiều quy định mạnh dạn, có phần táo bạo xung quanh vấn đề quản lý, xử lý cán bộ, công chức, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thiện Trí, Khoa Luật Hành chính, Đại học Luật TPHCM cho rằng, các quy định của luật có ý nghĩa lớn trong công tác phòng chống tham nhũng, kèm theo là những thách thức pháp lý. Theo Luật, những người đang làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập không được gọi là công chức; không áp dụng pháp luật về cán bộ, công chức đối với những lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước. Theo bà Nguyễn Thị Thiện Trí, quy định này hoàn toàn có giá trị lớn trong việc phòng chống tham nhũng, bởi ở những nơi này, tính chuyên nghiệp, chuyên môn là đòi hỏi chủ đạo so với tính quyền lực. Sự cởi bỏ lớp áo công chức sẽ góp phần bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của nền hành chính và phòng chống tham nhũng, sách nhiễu.
Một trong những điểm mới táo bạo của Luật là các quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật. Trong đó, không áp dụng thời hiệu đối với một số trường hợp cán bộ, công chức là đảng viên có vi phạm. Theo bà Nguyễn Thị Thiện Trí, quy định không áp dụng thời hiệu có nhiều vấn đề cần bàn thêm. Sẽ có nhiều tội phạm tham nhũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự (là loại trách nhiệm pháp lý nặng nhất) do quá thời hiệu nhưng vẫn bị xử lý kỷ luật. Đây là bất hợp lý trong tương quan giữa hai loại trách nhiệm pháp lý này. “Cần khẳng định rằng, trách nhiệm kỷ luật không phải là trách nhiệm nội bộ mà là một loại trách nhiệm pháp lý. Nếu đặt trong mối tương quan với trách nhiệm hình sự, sẽ không tránh được quy kết: trách nhiệm kỷ luật… nặng hơn trách nhiệm hình sự. Công lý, lẽ phải, công bằng lúc này phụ thuộc vào trách nhiệm kỷ luật, chứ không phải tòa án, tư pháp”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thiện Trí phân tích. Ngoài ra, khi bản án có hiệu lực của tòa án mới là căn cứ xử lý kỷ luật, thì rõ ràng, việc quy định không thời hiệu cho một số trường hợp là không khả thi. Nếu một hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức vì hết thời hiệu không thể xử lý hình sự được, thì lấy đâu ra một bản án có hiệu lực của tòa án để xử lý kỷ luật?
Quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia pháp lý quan tâm. Đây là quy định hoàn toàn mới của pháp luật. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thiện Trí, quy định việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1-7-2020 được thực hiện theo quy định của Luật này, là xung đột với lý luận pháp lý và không phù hợp với tinh thần nhân đạo. Bởi, nguyên tắc hiệu lực pháp luật rất phổ biến là tính từ thời điểm có hiệu lực, trừ trường hợp áp dụng hiệu lực hồi tố theo hướng có lợi.
Phân tích về tính khả thi và tính thống nhất của pháp luật trong việc xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm trong thời gian công tác, TS Cao Vũ Minh, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, cho rằng, dù đã có cơ sở pháp lý thì việc áp dụng vẫn còn nhiều vấn đề. Điều đáng quan tâm là một cá nhân sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu thì rõ ràng họ không còn là công chức. Khi người này không còn là công chức, thì họ cũng không còn chức vụ, không trong biên chế, không hưởng lương từ ngân sách. Vậy, việc xử lý đối với người không còn là công chức, liệu có phù hợp với đặc điểm của xử lý kỷ luật đối với công chức không? Có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật về cán bộ, công chức không? Càng mâu thuẫn khi người nghỉ việc, nghỉ hưu không còn là công chức, nhưng luật vẫn quy định về việc thực hiện chế độ công chức với họ. “Tuy được quy định về việc thực hiện chế độ công chức nhưng lại không được xem là công chức và bị đưa vào nhóm “các đối tượng khác”, thì càng thấy rõ sự lúng túng của nhà làm luật. Quy định về xử lý với người không còn là công chức và cố “ép” vào nhóm “các đối tượng khác” là rất khiên cưỡng và không khoa học”, TS Cao Vũ Minh phân tích. TS. Cao Vũ Minh nhận xét, việc áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo hoàn toàn không mang lại mục đích trừng trị, giáo dục hay răn đe. Hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” tuy có tính trừng trị, nhưng lại không đáng kể. Trong khi đó, các lợi ích trực tiếp, gắn chặt với một cá nhân nghỉ việc, nghỉ hưu là lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thì vẫn không bị ảnh hưởng ngay cả khi bị “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”.
Một vấn đề pháp lý kéo theo là khi “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” lại có thể dẫn đến bất cập trong thực tiễn là những văn bản, quyết định do người này ký khi còn đương chức thì có còn hiệu lực pháp lý hay không? Theo TS. Cao Vũ Minh, các cơ sở pháp lý dường như chưa thể là công cụ hữu hiệu để khai thông tất cả các bế tắc trong nhận thức cũng như thực tiễn triển khai thi hành. Do đó, ban hành nghị định quy định chi tiết về các vấn đề này là vấn đề cấp thiết.
Một người đóng nhiều vai, nếu sai phạm xử lý ra sao? Các chuyên gia pháp lý dẫn chứng thực tế một người có thể giữ nhiều vị trí khác nhau trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Có khi một người cùng lúc đóng nhiều vai khác nhau, như cán bộ, công chức, viên chức. Có người vừa là chủ tịch UBND tỉnh (vai cán bộ), vừa kiêm nhiệm Hiệu trưởng một trường đại học công lập (vai công chức, từ ngày 1-7 là vai viên chức), vừa là đại biểu Quốc hội. Vậy mối quan hệ trong việc xử lý kỷ luật như thế nào nếu người đó sai phạm ở một vị trí, còn các vị trí khác thì không sai phạm? TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm đào tạo trực tuyến, Trường Đại học Luật TPHCM, phân tích, về nguyên tăc, vi phạm ở vị trí nào thì chỉ bị xử lý ở vị trí đó, các vị trí khác không liên quan. Tuy nhiên, hành vi vi phạm của công chức, viên chức luôn ảnh hưởng chung. Lúc đó, uy tín sẽ không cao, nên thực tế, một vị trí bị kỷ luật thì các vị trí khác cũng bị ảnh hưởng. TS Thái Thị Tuyết Dung đề nghị, khi xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, công chức kiêm nhiệm cần làm rõ: nếu các vị trí công việc có mối liên hệ chặt chẽ thì phải lập Hội đồng xử lý kỷ luật từng vị trí để đánh giá mức độ vi phạm. Nếu các vị trí độc lập nhau, thì chỉ xem xét kỷ luật tại nơi hành vi vi phạm diễn ra, còn các vị trí khác chỉ đánh giá về uy tín, trách nhiệm có đủ đảm nhiệm vị trí quản lý không, sau đó có hướng xử lý phù hợp. |