Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Quy định rõ độ tuổi, phòng chống lạm quyền

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang trình Quốc hội khóa XV và sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 6 này. Hiện dự án luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý và hoàn thiện với những nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Báo SGGP xin giới thiệu ý kiến của cử tri xung quanh dự án luật này.
Các ngành chức năng góp ý Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Các ngành chức năng góp ý Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Ông NGUYỄN TRẦN BÌNH Chủ tịch UBND quận 11 (TPHCM): Cần nâng cao kiến thức pháp luật cho người tham gia

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có các thuận lợi là sẽ thống nhất được các lực lượng như: dân phòng, bảo vệ dân phố (BVDP), công an xã bán chuyên trách thành một lực lượng đảm bảo không gây chồng chéo về nhân lực; thống nhất về tổ chức, hoạt động và không mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác nhau. Tạo hành lang pháp lý vững chắc để kiện toàn lực lượng sẵn có, không làm tăng thêm biên chế và xác định rõ được vai trò, nhiệm vụ và đảm bảo các điều kiện khác để nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tại địa bàn cơ sở.

Theo dự thảo, các điều kiện hoạt động của lực lượng này sẽ được cân đối trong tổng mức chi thực tế hiện nay của địa phương, không làm tăng chi ngân sách nhà nước; do đó mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng vẫn sẽ còn thấp so với chế độ làm việc mang tính chất nặng nhọc (làm việc theo ca, kíp với thời gian tương tự như người lao động bình thường, thức đêm tuần tra canh gác, tham gia truy bắt đối tượng nguy hiểm...) nên có khả năng khó thu hút được người tham gia có chất lượng và đủ số lượng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở bằng việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật để lực lượng này nắm vững vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình và bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, xử lý tình huống đảm bảo trong khuôn khổ các quy định hiện hành.

Trung tá VŨ DUY TUYẾN Nguyên Phó trưởng Công an phường Tam Phú (TP Thủ Đức, TPHCM): Xây dựng thế trận cơ sở vững chắc

Ở địa bàn nào, công an khu vực năng nổ, tích cực và được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, đoàn thể, người dân địa phương thì nơi đó phong trào bảo vệ ANTT được giữ vững. Điều hạn chế hiện nay, các lực lượng còn mạnh ai nấy làm, chưa có sự phối hợp tổ chức, hợp đồng tác chiến giữa các lực lượng nên sức mạnh của tập thể chưa được phát huy.

Trong điều kiện hiện nay, để giữ vững ANTT ở cơ sở, việc ban hành Luật Lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở là hết sức cần thiết. Đây là hành lang pháp lý, đồng thời huy động được sức mạnh của tập thể, gồm công an, bảo vệ khu phố, dân phòng, dân quân… cùng chung tay bảo vệ ANTT ở cơ sở. Sức mạnh của các lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở càng được nâng cao khi đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tôi tâm đắc và đồng tình với quy định của dự thảo luật: “Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của UBND xã, phường, thị trấn và sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan công an”. Đây là cơ sở pháp lý để xây dựng lực lượng, tạo thế trận vững chắc trên mặt trận giữ gìn ANTT ở cơ sở trong tình hình hiện nay.

Ông NGUYỄN VĂN CẢNH (9/255 đường số 4, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM): Chung sức bảo vệ an ninh, trật tự ở địa phương

Điều người dân mong mỏi công ăn việc làm là ANTT ở cơ sở được giữ vững, cuộc sống thanh bình, ra đường không sợ cảnh bị trộm cắp, cướp giật. Nhiệm vụ đảm bảo ANTT cơ sở đặt lên vai lực lượng công an khu vực cùng với dân phòng, BVDP. Đây là công việc khá nặng nề, phức tạp vì hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với người dân, các đối tượng xấu trong xã hội và đã xảy ra tình trạng cán bộ thiếu kiềm chế trong thi hành công vụ, lạm quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Để ngăn ngừa hành vi lạm quyền, việc ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là hết sức cần thiết.

Luật mới ban hành quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ cụ thể của công an, dân phòng, BVDP… khi tham gia hoạt động bảo vệ ANTT ở cơ sở. Cũng từ việc luật hóa công tác bảo vệ ANTT ở cơ sở, người dân sẽ biết mình phải làm gì để đồng hành, chung sức cùng lực lượng chức năng bảo vệ sự bình yên của khu phố.

Bà NGUYỄN THỊ HƯƠNG (Cán bộ hưu trí, phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM): Cần quan tâm đến độ tuổi

Vừa qua, lực lượng BVDP đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình ở cơ sở. Bản chất xông xáo, xung phong đi đầu thể hiện khá rõ. Từ cháy nhà, tai nạn giao thông cho đến cướp giật, trộm cắp trong khu phố thì BVDP là một trong những lực lượng có mặt đầu tiên. Chúng tôi cũng khá an tâm. Bởi lẽ, trong lúc hoạn nạn, khẩn cấp thì đó là một trong những lực lượng của hệ thống chính trị cơ sở để người dân trông cậy, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ…

Qua quan sát, không riêng gì địa phương tôi đang cư ngụ mà ở nhiều phường, xã khác, chúng tôi thấy có nhiều người cao tuổi tham gia BVDP. Đành rằng BVDP huy động lực lượng tự nguyện tham gia, tuy nhiên theo tôi chính quyền cũng cần thiết xem xét độ tuổi. Các chú đã từng tham gia bộ đội hay công an có nhiều kinh nghiệm trong bảo vệ trật tự, trấn áp tội phạm… Tuy nhiên, với tuổi cao thì khó lòng hoàn thành nhiệm vụ. Nên chăng chúng ta nhờ các chú tham mưu, tư vấn khi có sự việc cụ thể ở địa phương. Độ tuổi tham gia BVDP cần khống chế ở 60 hay 65. Mặt khác, kinh phí của BVDP hiện nay cũng không cao. Hy vọng sau khi Luật Bảo vệ ANTT ở cơ sở được thông qua, thu nhập của lực lượng BVDP sẽ khả quan hơn!

Tin cùng chuyên mục