Luật hóa và quản lý bán thuốc online: Việc cần làm ngay

Một trong những điểm mới của Luật Dược (sửa đổi) dự kiến sắp được Quốc hội thông qua là quy định về mua bán thuốc online (trực tuyến). Tuy nhiên, theo các chuyên gia dược, hiện việc mua bán thuốc trực tuyến đã và đang diễn ra phổ biến nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật.

Không phải không quản được thì cấm!

Là người thường mua sắm trực tuyến, chị Nguyễn Thiện Ngân (32 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, ngoài những đồ gia dụng, mỹ phẩm, quần áo… thì thuốc và thực phẩm chức năng chị cũng thường xuyên mua trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, nhà thuốc bán online. Chị Ngân cho biết, mẹ chị bị bệnh đái tháo đường đã nhiều năm nên tháng nào cũng phải đi khám và mua thuốc. Do đó, chị thường đặt mua tại cửa hàng thuốc lớn có tên tuổi trên thị trường và được giao đến tận nhà.

204c306a6632dd6c8423.jpg
Người dân có thể mua thuốc trực tuyến tại bất cứ đâu mà không phải đến nhà thuốc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Mọi việc mua sắm rất thuận tiện. Nhà thuốc lưu đơn thuốc và kiểm soát lịch sử mua thuốc rất kỹ, có đội ngũ nhân viên tư vấn và nhắc uống thuốc theo lịch hẹn. Hơn nữa, việc thuốc lên sàn thương mại điện tử được công khai, minh bạch về giá nên tôi rất yên tâm”, chị Nguyễn Thiện Ngân chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng Thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam, các nước trên thế giới và trong khu vực đã và đang triển khai bán thuốc online từ nhiều năm qua. Tại Việt Nam, dù luật chưa quy định nhưng việc bán thuốc online vẫn đang diễn ra. Người dân thấy tiện lợi bởi mua thuốc xong lại được giao hàng tại nhà và đây cũng là thói quen khi họ đang mua tất cả các đồ thiết yếu cho cuộc sống. Do đó, việc luật hóa và quản lý bán thuốc online cần triển khai ngay, tránh tình trạng bán “chui”, khó nắm bắt, khó phát hiện… Đồng quan điểm, PGS-TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, cũng đã đến lúc nên ủng hộ việc mua, bán thuốc qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Bởi thực tế, không ít người dân mua thuốc theo mách bảo của người quen, hay mua kháng sinh không cần đơn, điều này gây tác hại lâu dài. Vì vậy, việc đưa thuốc lên sàn thương mại điện tử cần bảo đảm các vấn đề như: người mua được hướng dẫn tư vấn sử dụng, sản phẩm bán phải được sự cấp phép của Bộ Y tế.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, cho biết, việc mua bán thuốc trực tuyến đã trở thành một xu thế, không chỉ riêng ngành dược mà còn mở rộng ra nhiều ngành khác trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, thuốc là một mặt hàng đặc biệt, đòi hỏi phải có quy định quản lý chặt chẽ. Vì vậy, cần xây dựng luật cụ thể để thực sự kiểm soát hiệu quả việc buôn bán thuốc qua mạng. “Mua sắm trực tuyến có lợi thế lớn về sự tiện lợi, người mua chỉ cần ngồi ở nhà và hàng hóa sẽ được giao đến tận nơi. Vấn đề đặt ra là làm sao để đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật, chứ không phải không quản được thì cấm”, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm.

Có pháp nhân chịu trách nhiệm

Để giải quyết thực trạng mua bán thuốc tràn lan như hiện nay, ông Nguyễn Hữu Trọng cho biết, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống đơn thuốc quốc gia giúp việc quản lý đơn thuốc minh bạch, rõ ràng. Hệ thống có đầy đủ mã cơ sở khám chữa bệnh, mã bác sĩ, mã đơn thuốc. Những dữ liệu này được liên thông, tập trung trên hệ thống quản lý thuốc kê đơn. “Chúng ta hoàn toàn có thể triển khai việc mua bán thuốc trên sàn thương mại điện tử một cách hợp lệ. Tuy nhiên cần phải giám sát chặt chẽ việc mua bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử và đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về việc mua thuốc theo đơn của bác sĩ. Chính phủ cần ban hành hoặc sửa đổi bổ sung các chế tài xử phạt đủ để cơ sở khám chữa bệnh và bán thuốc phải thực hiện”, ông Nguyễn Hữu Trọng đề xuất.

Làm rõ thêm về đề xuất quy định liên quan tới việc mua bán thuốc online, ông Chu Đăng Trung, Trưởng Phòng Pháp chế hội nhập, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định hiện nay, việc mua thuốc phải được thực hiện trực tiếp tại địa điểm đã được cấp phép, đủ điều kiện kinh doanh về dược. Tuy nhiên trong bối cảnh công nghệ và thương mại điện tử ngày càng phát triển mang lại nhiều hữu ích cho người dân, Bộ Y tế đề xuất đưa quy định về kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016. Theo đó, việc kinh doanh thuốc trực tuyến được thực hiện qua các sàn giao dịch thương mại điện tử; website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định được pháp nhân chịu trách nhiệm. Tuy nhiên vì thuốc là một mặt hàng đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng, nên Bộ Y tế cũng đề xuất những quy định về giới hạn những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ thuộc nhóm không được bán trực tuyến, mà chỉ được bán thuốc thuộc danh mục không kê đơn. Cùng với đó, các cơ sở muốn kinh doanh thuốc trực tuyến phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện và đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhân sự và địa điểm kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục