Sáng 2-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) qua nhiều lần góp ý, sửa đổi đến nay có hai điểm mới đáng ghi nhận. Đó là chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trường THCS công lập, hỗ trợ đóng học phí cho trẻ thuộc diện phổ cập đang theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập và quy định về nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non và tiểu học, một số chính sách đối với người học, nhà giáo, nhiệm vụ, quyền hạn của nhà trường.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM phát biểu tại hội thảo Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, Luật Giáo dục sửa đổi hiện nay quy định riêng rẽ nhiều loại hình trường học gồm: công lập, tư thục, dân lập và trường có vốn đầu tư nước ngoài.
"Theo tôi, Luật Giáo dục chỉ nên quy định hai loại hình trường chính là công lập (có vốn đầu tư nhà nước) và ngoài công lập (vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân), trong đó loại hình ngoài công lập bao gồm các trường dân lập, tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài. Cách phân chia theo loại hình đầu tư như vậy sẽ thuận tiện hơn trong công tác quản lý" - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ. |
Thêm vào đó, trong phần quy định vị trí, vai trò của nhà giáo cần định nghĩa thêm nhà giáo ngoài những người trực tiếp làm công tác giảng dạy còn có những cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục, hiệu trưởng, cán bộ phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT.
Trên thực tế, hiện nay hiệu trưởng cơ sở giáo dục vẫn tham gia giảng dạy hoặc hiệu trưởng hết nhiệm kỳ quay về làm công tác giảng dạy. Vì vậy nếu chỉ quy định nhà giáo là những người trực tiếp làm công tác giảng dạy sẽ gây thiệt thòi cho một bộ phận không nhỏ các thầy, cô đang công tác trong ngành giáo dục ở vai trò quản lý.
Riêng về quy định tiêu chuẩn sĩ số học sinh/lớp, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng nên có thêm quy định về cơ chế thực hiện. Bởi nếu áp dụng cứng nhắc quy định lớp học từ 35-40 học sinh như hiện nay thì ở một số TP tập trung đông dân cư như Hà Nội, TPHCM đều làm sai luật.
"Quy định tiêu chuẩn sĩ số học sinh/lớp là cần thiết vì đó là quyền lợi của người học, tuy nhiên nếu không có cơ chế thực hiện rõ ràng như ngay khi nhập cư một công dân, TP phải xác định rõ quyền được đi học, được giải quyết chỗ học tại cơ sở nào, quyền lợi ra sao...", đại diện Sở GD-ĐT bày tỏ. |
Bà Phạm Phương Thảo băn khoăn dự thảo Luật đã qua nhiều lần góp ý, sửa đổi nhưng nội dung vẫn còn quá chung chung. Ở phạm vi bao quát, bà Phạm Phương Thảo, Nguyên chủ tịch HĐND TPHCM băn khoăn khi cho rằng Luật Giáo dục sửa đổi vẫn còn quá nhiều điều (hơn 26 điều) giao cho Chính phủ và Bộ quy định.
"Cái gì quy định được thì nên quy định rõ ràng ngay trong luật, chứ nếu nội dung cứ chung chung, nguyên lý giáo dục còn khó hiểu, dông dài, phương pháp giáo dục chủ trương đổi mới nhiều nhưng chưa làm được, vẫn còn cách học từ chương, học thuộc lòng. Do đó, có những vấn đề đã nhìn thấy từ rất lâu nhưng nếu không nói mạnh hơn, quy định rõ ràng sẽ nói hoài vẫn không hiệu quả" - bà Phạm Phương Thảo bày tỏ. |
Đồng quan điểm, bà Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP khẳng định, Luật sửa đổi chưa có nhiều đổi mới, chưa thấy được kiến trúc riêng. Vấn đề văn bằng, chứng chỉ được công nhận thế nào trên quốc tế theo định hướng hội nhập chưa được quy định bằng những tiêu chí rõ ràng. Một số điều luật còn mâu thuẫn, trùng lắp. Riêng quy định về một số hành vi nghiêm cấm giáo viên không được phép làm, trong đó ghi rõ một số hành vi như ép học sinh học thêm để thu tiền là vấn đề cần suy nghĩ lại.
Theo luật sư Hòa, không nên đưa vào luật những hiện tượng không phổ biến, vốn chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" bởi những quy định đó sẽ góp phần tạo nên hình ảnh nhà giáo. Vấn đề khen thưởng, xử phạt nên có những danh hiệu rõ ràng, không nên đánh giá theo những tiêu chí, danh hiệu chung chung như hiện nay, thiếu tính khích lệ đối với người dạy và người học.
Luật sư Trương Thị Hòa lo lắng về hình ảnh giáo viên trước những quy định về những hành vi giáo viên không được phép làm Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là việc biên soạn sách giáo khoa. Đây là vấn đề khá "nóng" hiện nay, có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng giáo dục đầu ra nhưng quy định trong luật còn khá mờ nhạt, chung chung.
Như vậy, qua nhiều lần lắng nghe góp ý, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đến nay vẫn chưa tạo được yên tâm trong đội ngũ nhà giáo. Nội dung các điều luật chưa thể hiện được quyết tâm đổi mới một cách toàn diện về giáo dục và đào tạo. Dự thảo sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới.
THU TÂM