Luật GDĐH đã đi vào cuộc sống được 4 năm (có hiệu lực từ 1-1-2013). Chính phủ giao Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH. Quốc hội đã thông qua đề xuất của Chính phủ và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018.
Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, sau 5 năm thực hiện, luật GDĐH đã bộc lộ những bất cập gây trở ngại cho các trường cũng như cơ quan quản lý. Một số quy định của luật về tự chủ ĐH, quản trị ĐH, quản lý đào tạo và quản lý Nhà nước khiến luật chưa đi vào cuộc sống... Chưa làm được việc xếp hạng ĐH do chưa thực hiện việc kiểm định trong toàn hệ thống; việc phân tầng ĐH cũng chưa thực hiện được; chưa rõ về liên kết đào tạo ĐH; về xã hội hóa GDDH, khái niệm trường phi lợi nhuận… Đến nay mới chỉ có 23 trường ĐH thực hiện tự chủ.
PGS-TS Vũ Thị Lan Anh (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội) đề xuất cần có quy định phù hợp hơn với thông lệ quốc tế về phân tầng, xếp hạng ĐH. Về phân tầng, việc xác định cứng định hướng của mỗi trường ĐH chưa thực sự phù hợp ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, có thể cản trở tính linh hoạt của các cơ sở này khi muốn đồng thời phát triển các chương trình nghiên cứu và ứng dụng, tìm kiếm nguồn tài chính phát triển giáo dục, đồng thời đáp ứng nhu cầu xã hội. “Các trường nên được quyền xác định hướng phát triển của mình và thay đổi hướng phát triển phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mỗi giai đoạn. Còn việc xếp hạng nên để các tổ chức xếp hạng độc lập, không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện, có sự quản lý của Nhà nước để bảo đảm cơ quan độc lập thực hiện xếp hạng được minh bạch, gây mất tuy tín các trường hay trục lợi”, bà Lan Anh đề nghị.
GS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng cho rằng chính sách phân tầng, xếp hạng cần cân nhắc, không nên đưa tiêu chí xếp hạng vào luật, vì tiêu chí này phục thuộc vào triết lý của từng tổ chức xếp hạng khách nhau, không nên quy định cứng. Nên bỏ thẩm quyền công nhận xếp hạng trong luật, vì tổ chức xếp hạng độc lập có uy tín thì sẽ được xã hội công nhận. “Nếu chúng ta công nhận tổ chức xếp hạng thì không thể bao quát hết, nhất là những tổ chức quốc tế. Không nên phân tầng ĐH vì đã thực hiện tự chủ thì các trường đã ý thức được việc thực hiện sứ mạng, tầm nhìn của họ. Các tổ chức xếp hạng cũng sẽ nhìn vào việc thực hiện sứ mạng đó của trường để xếp hạng”, GS Nguyễn Trọng Hoài nêu.
Vấn đề Hội đồng trường (HĐT) đến nay vẫn có sự tranh luận rất sôi nổi. Vừa qua, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam đề xuất HĐT có quyền phế truất hiệu trưởng gây sự chú ý.
PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng Luật GDĐH sửa đổi phải quy định HĐT trường là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện quyền sở hữu đồng thời đại diện quyền lợi của các bên liên quan. Luật chỉ nên nêu quy định các thành phần đương nhiên của HĐT bao gồm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch công đoàn, Bí thư đoàn thanh niên; còn các thành phần khác phải được bầu, bao gồm cả ứng viên Hiệu trưởng phải trúng cử.
GS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng cho rằng quy định tất cả các thành viên trong Ban giám hiệu đưa vào HĐT là quá nhiều, ban giám hiệu chỉ nên đại diện tham gia. Chủ tịch HĐT không nên kiêm nhiệm các chức vụ lãnh đạo của trường để bảo đảm tính độc lập tương đối của HĐT trong việc giám sát các hoạt động của nhà trường.
Ý kiến của ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng cho rằng, muốn tự chủ ĐH thì HĐT trong trường công, HĐQT ở trường tư phải là hội đồng quyền lực, không phải là hội đồng tư vấn. HĐT có quyền giám sát hoạt động ban lãnh đạo nhà trường, có thành phần là đại diện tất cả những bên liên quan và phải được ra những quyết định quan trọng. Đặc biệt, các thành viên tham gia HĐT phải được tách bạch, tương tự như kinh nghiệm của một số nước, Hiệu trưởng tham gia HĐT nhưng không được quyền bỏ phiếu.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga:
Đến nay nhiều trường vẫn chưa có HĐT, vì tìm được một Chủ tịch HĐT tương đương Hiệu trưởng không dễ. Vai vế HĐT nếu không phù hợp thì HĐT không có ý nghĩa. Bộ GD-ĐT đã ra chế tài nếu không thành lập HĐT thì không được mở ngành tuyển sinh. HĐT là bắt buộc phải có để thực hiện tự chủ. HĐT nếu chưa trở thành hội đồng quyền lực thì chưa thể tự chủ tốt. Tự chủ cao nhất là trường ĐH không còn cơ quan chủ quản, mà HĐT điều hành nhà trường.
Về vấn đề phân tầng, xếp hạng ĐH, thời gian qua chưa làm được, tới đây sẽ phải làm. Vừa qua có tổ chức độc lập xếp hạng ĐH, bộ GD-ĐT hoan nghênh dù đó là tự phát, chưa có cơ sở pháp lý. Tới đây sẽ có quy định cụ thể để làm, nhất là tham gia xếp hạng trên thế giới.