Luật Đầu tư công (sửa đổi): Rút 3 bước, giảm 3 tháng

Trình bày tờ trình về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi tại nghị trường sáng nay, 29-10, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, mục đích của việc sửa Luật Đầu tư công là để hạn chế tối đa tình trạng “vốn chờ dự án”, “dự án chờ vốn”.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi. Ảnh: QUANG PHÚC

Một trong những điểm sửa đổi quan trọng là cho phép tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án, giúp đẩy nhanh tiến độ công tác này.

Sửa đổi quan trọng tiếp theo là đẩy mạnh phân cấp phân quyền. Trong đó, trao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách trung ương. Thẩm quyền này hiện nay là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

HỘI TRƯƠNG 29.jpeg
Quang cảnh hội trường Diên Hồng sáng 29-10. Ảnh: QUANG PHÚC

“Thực tiễn cho thấy, thời gian để xử lý toàn bộ quy trình điều chỉnh mất nhiều thời gian (trung bình mất khoảng 5-6 tháng để thực hiện 6 bước). Thay đổi này sẽ rút ngắn 3 bước, giảm thời gian 2-3 tháng, tạo sự chủ động cho Thủ tướng Chính phủ trong điều hành; các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có căn cứ để thực hiện, qua đó đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải thích.

Tương tự, hiện nay thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương thuộc Quốc hội, phải đến kỳ họp Quốc hội mới có thể báo cáo. Thời gian để thực hiện quy trình báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định sẽ mất từ 6-8 tháng, ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc bố trí nguồn lực.

Để nâng cao tính chủ động, sẵn sàng trong việc sử dụng các khoản vốn này dự thảo luật đề nghị phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương, các khoản vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

DỰ HỌP.jpeg
Đại biểu đoàn TPHCM dự họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Dự thảo cũng đề xuất phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương từ Thủ tướng Chính phủ cho cấp quyết định chủ trương đầu tư; vốn ngân sách địa phương từ HĐND tỉnh cho Chủ tịch UBND các cấp.

Cùng với đó, dự thảo luật dự kiến giao một địa phương làm chủ quản một dự án đi qua nhiều địa phương; cụ thể là dự án đi qua nhiều tỉnh thì giao 1 tỉnh làm đầu mối thực hiện, dự án đi qua nhiều huyện thì giao một huyện làm đầu mối triển khai, hạn chế tối đa tình trạng “vốn chờ dự án”, “dự án chờ vốn”.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật.

Cần đảm bảo công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 2 dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý, số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn; nhiều nội dung thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù mới được thí điểm, triển khai thực hiện trong thời gian ngắn; đòi hỏi phải đánh giá kỹ về tác động chính sách và nghiên cứu, rà soát thận trọng để bảo đảm việc ban hành luật phù hợp với yêu cầu của thực tế.

Trong số những nội dung cụ thể, đa số ý kiến thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án thành phần độc lập trong tổng thể dự án đối với tất cả các nhóm dự án. Tuy nhiên, đề nghị quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để đảm bảo công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 2 dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án.

Về quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, cơ quan thẩm tra tán thành quan điểm đổi mới để tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương là cần thiết và phù hợp với định hướng tại kết luận số 93-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

“Tuy nhiên, các nội dung này mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, áp dụng cho một số công trình, dự án cụ thể. Do vậy, cần có báo cáo bổ sung, đánh giá kỹ tác động của chính sách để đại biểu Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định. Đồng thời, đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo luật về tiêu chí, điều kiện để lựa chọn địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án và quy định về trách nhiệm của các địa phương trong công tác đền bù, tái định cư của dự án”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục