Luật Đầu tư công là công cụ rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) đồng tình sửa Luật Đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Trung ương giữ vai trò kiến tạo và tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách.

Chiều 29-10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và một số dự án luật khác.

Thủ tục đầu tư còn rườm rà, phức tạp

Thảo luận tại tổ, ĐB Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) cho rằng, Luật Đầu tư công là công cụ rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phân tích rõ những bất cập của luật hiện hành, ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) thẳng thắn chỉ rõ, thủ tục đầu tư còn quá phức tạp, rườm rà, quá nhiều thủ tục hành chính làm kéo dài thời gian đầu tư.

Cùng với đó, trong triển khai dự án còn những cách hiểu khác nhau trong áp dụng luật dẫn đến tâm lý đùn đẩy, tạo ra cơ chế “xin cho” giữa địa phương với bộ, ngành, giữa các bộ, ngành với nhau.

14271cd69cfe24a07def.jpg
ĐB Nguyễn Thị Lệ phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Dương Ngọc Hải đồng tình với việc sửa luật lần này theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm. Trung ương giữ vai trò kiến tạo và tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách.

43e59336761dce43970c.jpg
ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Đề cập đến nội dung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ĐB Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, cần gắn với trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, để thực hiện việc này đạt hiệu quả, tránh lạm quyền, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị, cần bổ sung các quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm giải trình cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát.

Các ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, ĐB Dương Ngọc Hải và ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng đồng tình cần quy định tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương chủ động thực hiện dự án, việc này địa phương không chờ đợi các bộ, ngành Trung ương làm chủ đầu tư các dự án trên địa phương đó.

3c6ec416473eff60a62f.jpg
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó, các ĐB cho rằng, sửa luật lần này cần hướng đến đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đi cùng với phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm đó là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Trên cơ sở, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, tránh đùn đẩy, né tránh và tránh cơ chế "xin cho".

6ce56cbfed9755c90c86.jpg
ĐB Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM điều hành phiên thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

Về việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị giữ nguyên quy định HĐND các cấp quyết định, không giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư.

“Giữ nguyên quy định này để có kênh giám sát, kiểm soát quyền lực và sử dụng ngân sách đạt hiệu quả, chống dàn trải”, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết nói.

Quy định thời hạn chuyển giao nhà đất công

Đề cập đến vấn đề công khai, minh bạch trong đầu tư công, ĐB Nguyễn Thị Lệ kiến nghị, cần bổ sung thêm quy định về công khai tiến độ thực hiện, tình hình giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn của từng dự án. Việc công khai thông tin này giúp người dân và các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát tiến độ, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí.

Thảo luận thêm về việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư xây dựng, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) cho rằng, sẽ tạo ra sự chủ động hơn trong việc triển khai dự án, tạo quỹ đất sạch để đấu giá đầu tư phát triển và chống lãng phí.

b8205b6c8c4734196d56.jpg
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Về quản lý, sử dụng tài sản công, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, tình hình lãng phí tài sản công là rất là lớn. Ngay cả các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu khai thác tài sản công cũng phải trải qua quy trình thủ tục phức tạp, kéo dài thời gian.

Do đó, ĐB đề nghị mạnh dạn phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện. ĐB ví dụ, ở TPHCM, việc đưa lên hết cho Chủ tịch UBND TPHCM hoặc chuyển qua HĐND TPHCM chờ thông qua thì rất mất thời gian, quá tải.

Đối với các trụ sở nhà, đất công của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn của địa phương, các ĐB cũng cho rằng, nếu những tài sản này mà các cơ quan Trung ương không có nhu cầu sử dụng thì chuyển lại về cho địa phương quản lý. Quy định như vậy góp phần quản lý, sử dụng tài sản công một cách hiệu quả hơn, tránh lãng phí.

Tuy nhiên, các ĐB lưu ý, cần quy định thời hạn cụ thể trong việc chuyển giao tài sản công cho địa phương quản lý, chứ không thể cứ hẹn hết năm này sang năm khác sẽ kéo dài thời gian, lãng phí.

ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết, về thuế giá trị gia tăng (VAT) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, nghệ thuật được đưa vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) lần này chỉ quy định nhóm nghệ thuật biểu diễn truyền thống dân gian chịu thuế VAT 5%. Trong khi các nhóm còn lại chịu thuế 10% là quá nặng.

ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị áp dụng như cũ là 5%, riêng nhóm nghệ thuật biểu diễn truyền thống dân gian chịu thuế 0%.

Tin cùng chuyên mục