Chiều 3-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thảo luận tại hội trường, đại biểu (ĐB) Nguyễn Duy Thanh (tỉnh Cà Mau) cho rằng, Việt Nam là quốc gia đi lên từ nông nghiệp, những thay đổi trong dự thảo luật mang nhiều ý nghĩa thực tiễn.
Chiều 3-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: QUANG PHÚC |
Theo ĐB Nguyễn Duy Thanh, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần bám sát, cụ thể hóa hơn nữa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Cùng với đó, cần đưa ra giải pháp căn cơ, lâu dài, tránh tạo biến động lớn thị trường bất động sản, tác động đến sự tồn vong của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Trao đổi cụ thể, ĐB Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, trong dự thảo luật quy định về dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, đây là nội dung rất quan trọng.
Đây là nội dung được cử tri mong chờ, đặc biệt là người dân trong diện bị thu hồi đất cho các dự án có chênh lệch địa tô. Do vậy cần có tiêu chí, điều kiện cụ thể để Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi, sinh hoạt, đời sống của người dân.
ĐB Phạm Văn Hòa. Ảnh: QUANG PHÚC |
"Việc nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân mà đạt được tỷ lệ đồng thuận 100% là rất khó xảy ra. Về nội dung này, phương pháp, nguyên tắc định giá đất là rất quan trọng, nên cần điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước”, ĐB Hòa cho biết.
Quan tâm đến các chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, ĐB Thạch Phước Bình (tỉnh Trà Vinh) băn khoăn với quy định về các nội dung hỗ trợ chính sách và quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất.
“Có thể thấy, dự thảo cũng có những quy định mới, rõ ràng, chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đảm bảo hơn nữa quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, số liệu khảo sát cũng cho thấy trong số những nông dân có thay đổi việc làm, số người chuyển sang làm thuê là nhiều nhất và số người chuyển sang học nghề mới là ít nhất”, ĐB Bình nêu rõ.
ĐB Thạch Phước Bình. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cùng với đó, tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa được nông dân sử dụng đúng cách. Vì vậy, sau một thời gian họ sử dụng hết tiền, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, không có thu nhập.
Từ thực tế này, ĐB Thạch Phước Bình đề nghị ban soạn thảo xem xét, làm rõ phạm vi, đối tượng hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi bị thu hồi đất để tránh tình trạng bỏ sót.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần có những quy định mang tính bắt buộc về việc mở lớp đào tạo nghề, đảm bảo lớp học nghề được tổ chức nghiêm túc, có hiệu quả. Đây có thể xem là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất.
Đồng tình, ĐB Đặng Thị Bảo Trinh (tỉnh Quảng Nam) đề nghị cần cụ thể hóa quy định về tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quản lý khai thác, sử dụng quỹ đất đã thu hồi. Theo hướng làm rõ tổ chức được thực hiện các chức năng vừa nêu là tổ chức công lập hay tổ chức tư nhân.
Đồng thời làm rõ nguyên tắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sau khi thu hồi đất, người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Cùng với đó, ĐB Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị cần có quy định rõ hơn các tiêu chí cơ bản bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ để tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình thu hồi và tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây cản trở quá trình triển khai các công trình, dự án lớn.
Hạn chế quyền sử dụng đất đơn vị sự nghiệp công lập
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) góp ý về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, tổ chức tôn giáo trực thuộc, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QUANG PHÚC |
Theo ĐB, so với quy định của Luật Đất đai 2013, quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã trao thêm quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập, tạo cơ chế cho đơn vị sự nghiệp công lập khai thác hiệu quả hơn phần đất đang quản lý, tránh lãng phí trong việc sử dụng đất đai, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần tháo gỡ, san sẻ những khó khăn trong việc tự chủ tài chính của mỗi đơn vị.
Tuy nhiên, vẫn cần có những hạn chế nhất định trong việc sử dụng đất của đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp này, không nên trao đầy đủ quyền như đối với tổ chức kinh tế.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, so với tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước trao quyền, có những chức năng nhiệm vụ đặc thù. Do đó, việc tạo cơ chế đánh đồng giữa tổ chức kinh tế với đơn vị sự nghiệp công lập là không phù hợp. Mặt khác, nếu đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất hàng năm cũng được trao quyền đầy đủ như tổ chức kinh tế sử dụng đất thuê trả hàng năm sẽ tạo ra sự bất bình đẳng cho doanh nghiệp.