Chiều 14-11, tại phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm.
Bộ trưởng khẳng định các ý kiến của ĐBQH góp ý đều hết sức tập trung, phong phú, là những nội dung hết sức cốt lõi, quan trọng của dự thảo luật; các ý kiến của ĐBQH được ghi chép đầy đủ cụ thể, là cơ sở để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật.
Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết, chiếm 1/3 số ý kiến của ĐBQH tại hội trường là về vấn đề tài chính đất đai và định giá đất. Bộ trưởng nêu rõ, tài chính đất đai cùng với quy hoạch là công cụ mà Nhà nước thực hiện quyền quản lý nhà nước và quyền đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong đó, việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai và đưa nguồn lực này để vào phát triển cho kinh tế - xã hội và giải quyết hài hòa các mối quan hệ. Trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, dùng phương pháp toán học, phương pháp thống kê tính toán, cùng với phương pháp để xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, số lượng thửa đất... có thể xác định được giá đất theo thị trường. Điều này sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay. Đồng thời, từ giá đất này sẽ thực hiện rất nhiều công việc để đảm bảo trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất, cũng như tính được giá đất cụ thể. Cùng với đó, công khai được giá đất cụ thể và người dân có quyền tiếp cận.
Về vấn đề thu hồi đất và bồi thường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo đã quy định rõ tiêu chí giao đất không phải đấu thầu, đấu giá; về vấn đề đất đai cần phải đấu thầu, đấu giá có 2 hình thức. Bộ trưởng nhấn mạnh, quan trọng nhất ở đây là làm sao thực hiện được hài hòa lợi ích của người dân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao xác định được điều kiện, tiêu chí thu hồi. Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ nghiên cứu và mong các ĐBQH, chuyên gia, khoa học tiếp tục tham gia góp ý lượng hóa, cụ thể.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận có 38 ĐB đã phát biểu, 7 ĐB tranh luận, còn 55 ĐB chưa phát biểu do hết thời gian. Đây là luật hết sức quan trọng nhất, nhiều ĐB chuẩn bị công phu, tâm huyết, vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các ĐBQH chưa phát biểu gửi văn bản ý kiến của mình qua ban thư ký kỳ họp để tổng hợp. Qua thảo luận cho thấy, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai để thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành.
Các ĐB tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật như: thể chế hóa rõ ràng, cụ thể hơn 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết 18; quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài chính về đất đai, giá đất nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất, bảng giá đất…
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị ĐB chuyên trách để tiếp tục hoàn chỉnh dự luật trình Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 5.