Luật Đất đai 2013: Tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân

Đảm bảo quyền lợi người dân
Luật Đất đai 2013: Tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân

Trên chuyên trang Quy hoạch - Kiến trúc số ra ngày 28-7, Báo SGGP đã có bài về Luật Đất đai (LĐĐ) 2013 vừa có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014 đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM xung quanh những vướng mắc về dự án “treo” và quyền lợi của người dân cũng như doanh nghiệp (DN) trong các dự án sau khi thực hiện LĐĐ 2013.

Một dự án treo lâu năm ở Khu đô thị mới Nam Sài Gòn. Ảnh: HUY ANH

Đảm bảo quyền lợi người dân

- Phóng viên: Hiện trên địa bàn TPHCM có nhiều khu dự án “treo”, những khu đất có giá trị nhưng không được sử dụng đúng mục đích, chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, vừa mất mỹ quan, vừa “treo” quyền lợi của người dân. Vậy khi thực hiện LĐĐ 2013, những thực trạng này có được giải quyết rốt ráo, thưa ông?

>> Ông NGUYỄN HOÀI NAM: Điều 49 LĐĐ 2013 quy định về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nêu rõ: trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật… Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi đất… Như vậy, thực hiện nghiêm LĐĐ 2013 sẽ hạn chế được quy hoạch “treo”, dự án “treo” và quyền lợi của người dân trong khu quy hoạch sẽ được đảm bảo.

- Thời gian qua, TP đã thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất cho thuê đất của hàng trăm dự án chậm triển khai trên địa bàn TP. Xin ông cho biết, các dự án sau khi bị thu hồi thì quyền lợi của người dân như thế nào, thưa ông?

TP tiến hành rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ nhằm giải quyết những bức xúc, khó khăn của người dân mà các dự án chậm tiến độ gây ra. Đến nay, TP đã thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất cho thuê đất của 536 dự án với tổng diện tích hơn 5.395ha. Những dự án chậm tiến độ gây bức xúc, khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân chủ yếu là những dự án do chủ đầu tư không tiến hành bồi thường; chậm thực hiện việc bồi thường, thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân; tỷ lệ diện tích đất bồi thường thấp mà thời gian kéo dài nên TP đã kiên quyết xử lý thu hồi, hủy bỏ các dự án này. Sau khi thu hồi, người dân sử dụng đất thuộc các dự án thu hồi, hủy bỏ đã được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai như được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất …

- Riêng các chủ đầu tư đã bỏ tiền đầu tư dở dang nhưng dự án bị thu hồi sẽ được xử lý thế nào?

Đối với các dự án đã bồi thường được tỷ lệ diện tích lớn hơn 50% hoặc từ 80% trở lên, UBND TP đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp như: hỗ trợ chủ đầu tư trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng; điều chỉnh cắt giảm quy mô của dự án nếu bảo đảm kết nối hạ tầng; chủ đầu tư dự án được liên doanh liên kết… để đẩy nhanh tiến độ dự án. Đối với các dự án bị thu hồi, hủy bỏ thì chủ đầu tư dự án tự xử lý đối với phần diện tích đất đã tự thỏa thuận bồi thường, nhận chuyển nhượng với các hộ dân. Trường hợp các chủ đầu tư này muốn thực hiện lại dự án thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và đầu tư xây dựng.

DN phải trả tiền thuê đất

- LĐĐ 2013 quy định các dự án chậm tiến độ nếu hết 24 tháng gia hạn mà vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường. Như vậy, những dự án đã được đền bù một phần, đặc biệt là các dự án được đền bù không liền thửa, “da beo” hiện nay có bị thu hồi theo quy định này hay không, thưa ông?

Điều 53 LĐĐ 2013 đã quy định việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Do vậy sẽ không có trường hợp dự án đã được giao đất nhưng chậm tiến độ phải thu hồi mà lại bồi thường giải phóng mặt bằng chưa xong, “da beo”. Riêng đối với các dự án thực hiện trước ngày 1-7-2014 mà chủ đầu tư đã tự thỏa thuận bồi thường, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân nhưng tỷ lệ bồi thường đạt thấp, “da beo” mà buộc phải thu hồi, hủy bỏ thì chủ đầu tư vẫn phải thực hiện theo quy định. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng phải tự xử lý đối với phần diện tích đất đã tự thỏa thuận bồi thường, nhận chuyển nhượng được.

- LĐĐ 2003 cho phép các DN đầu tư hạ tầng khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và cho thuê lại theo hình thức trả tiền một lần. Trong khi đó, LĐĐ 2013 quy định các trường hợp thuê đất nếu trả tiền thuê đất hàng năm thì chỉ được cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Nếu trả tiền thuê đất một lần thì được cho thuê lại với hình thức trả tiền thuê đất một lần hoặc trả hàng năm. Quy định này sẽ khiến các DN gặp nhiều khó khăn về vốn để đầu tư?

Pháp luật đất đai năm 2013 đã có hiệu lực thi hành nên phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Sở Tài nguyên - Môi trường đang triển khai việc yêu cầu các DN kinh doanh hạ tầng KCX-KCN báo cáo về tình hình cho thuê lại đất trong KCX-KCN theo hình thức thu tiền 1 lần cho cả thời gian thuê lại để phối hợp với Cục Thuế TP, Ban Quản lý các KCX-KCN TP tiến hành rà soát và báo cáo đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện theo quy định hiện hành.

- Ông có ý kiến gì về việc các DN kiến nghị được ghi nợ và nộp tiền thuê đất theo phân kỳ trong vòng 5 năm kể từ ngày 1-7-2014?

Theo quan điểm của tôi, Nhà nước đã có nhiều chính sách để tạo điều kiện phát triển các KCX-KCN như: Nhà nước thu hồi đất và tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án; Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng tới hàng rào KCX-KCN; miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong KCX-KCN… Tại TPHCM, hầu hết các KCX-KCN đã được cho thuê đất và đã hình thành, hoạt động từ trước năm 2003, khi đó Nhà nước cho thuê đất ưu đãi giá thấp. Như vậy, đến nay đã hơn 10 năm các DN được hưởng việc cho thuê lại đất thu tiền một lần nhưng lại trả tiền thuê đất hàng năm cho Nhà nước. Vì vậy, đã đến lúc phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định mới. Tiền thuê đất là một khoản thu quan trọng cho ngân sách nhà nước và là khoản được giữ lại toàn bộ để chi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của TP, nên các DN cần phải chấp hành tốt.

- Xin cảm ơn ông!

MINH HUY thực hiện

Tin cùng chuyên mục