Tại phiên họp, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến UBTVQH trong tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và thảo luận về nhiều vấn đề trong dự thảo luật này.
Theo đó, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, nhận được nhiều lượt phát biểu ý kiến tại tổ, tại hội trường và có ý kiến gửi qua văn bản. Đã có 78 lượt phát biểu ý kiến tại tổ, 32 lượt phát biểu ý kiến tại hội trường và 1 ý kiến bằng văn bản. Đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, điều chỉnh và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (gọi chung là cơ quan soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, thể hiện quan điểm đối với một số ý kiến, nội dung đại biểu Quốc hội đã đặt ra tại kỳ họp thứ 7. Để bảo đảm tiến độ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ động rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, các nội dung của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau chỉnh lý đã đạt được sự thống nhất của các cơ quan.
Thường trực Ủy ban Xã hội hiện đã nhận được Báo cáo số 84/BC-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội, đến nay, hầu hết các nội dung của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi chỉnh lý đều đã đạt được sự thống nhất của các cơ quan, trừ nội dung về giám sát của công đoàn quy định tại Điều 16 của dự thảo.
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, phát biểu khai mạc phiên họp chuyên đề về pháp luật của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, 10 trong số 11 dự thảo luật được UBTVQH xem xét tại phiên họp lần này thuộc nhiều lĩnh vực mà xã hội rất quan tâm, trong đó có Luật Công đoàn (sửa đổi).
Theo đó, Luật Công đoàn (sửa đổi) được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nhiều nội dung quy định trong dự thảo luật gắn chặt với quyền và lợi ích của người lao động, tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội.
“Tôi đề nghị UBTVQH nghiên cứu thật kỹ, báo cáo rõ vấn đề nào đã tiếp thu, vấn đề nào chưa tiếp thu, lý do vì sao những vấn đề còn chưa thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Như nhiều lần chúng ta đã có ý kiến, dù một ý kiến nhỏ nhưng mà chúng ta cũng phải giải trình, tiếp thu cặn kẽ”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.