Để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong công tác thi đua, khen thưởng, Luật quy định việc thi đua được thực hiện trên các nguyên tắc: tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch; đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển. Bên cạnh đó, việc khen thưởng được thực hiện trên các nguyên tắc: chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời; bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được.
Luật nêu rõ, một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.
Ngoài các hình thức khen thưởng được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), luật cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể thực hiện các hình thức động viên đối với cá nhân, tập thể có thành tích để kịp thời nêu gương trong lao động, sản xuất, công tác và động viên phong trào thi đua, phù hợp với các nguyên tắc do Luật này quy định.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (Điều 66), đa số đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường đồng ý với phương án 1 bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Trong đó một số đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “nghệ sĩ” để bảo đảm sự tường minh; đề nghị có đánh giá tác động việc mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu này để Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng bảo đảm không bỏ sót đối tượng, làm rõ thế nào là “tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật và được công chúng yêu thích và đón nhận”; đối với nhà văn và kiến trúc sư, đề nghị nghiên cứu thêm cho phù hợp và tạo sự đồng thuận cao; bổ sung đối tượng “nhà điêu khắc, tạc tượng”.
UBTVQH thấy rằng, việc rà soát để tiếp tục bổ sung người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật thuộc đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là cần thiết, bảo đảm nguyên tắc công bằng trong khen thưởng.
Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, trong thời gian ngắn chưa thể đánh giá tác động kỹ lưỡng, đầy đủ. Do đó, sau khi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, UBTVQH thống nhất với Chính phủ, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan, tổ chức liên quan chỉ quy định trong Luật những vấn đề đã chín, đã kỹ, đã rõ nên đã chỉ đạo thiết kế khoản 1 Điều 66 gồm 2 điểm: điểm a kế thừa quy định các đối tượng của luật hiện hành đang được thực hiện ổn định và điểm b quy định nhóm đối tượng mới được bổ sung và giao Chính phủ quy định, như sau: “b) người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này do Chính phủ quy định”. Trên cơ sở tiêu chuẩn khung chung quy định tại khoản 2, khoản 3, Chính phủ sẽ quy định tiêu chuẩn chi tiết phù hợp với các đối tượng cụ thể.
Về hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, UBTVQH thống nhất với Chính phủ xin phép Quốc hội cho giữ tiêu chuẩn như quy định tại dự thảo Luật (sau khi đã tiếp thu ý kiến đại biểu, bỏ từ “liên tục”).
Theo đó, luật quy định: thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 2 năm trở lên. Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã được công nhận liệt sĩ được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.