Luật chưa đi vào cuộc sống
Nói về những hạn chế của Luật Cạnh tranh 2005, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói rõ: “Điểm yếu cơ bản của luật là chưa xác định thế nào là một doanh nghiệp vi phạm quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, rồi từ hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền đến việc tập trung kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan... đều chưa rõ ràng. Thậm chí có nhiều tình huống chưa xác định được cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý bằng quy định hành chính hay bằng Luật Cạnh tranh. Đặc biệt, khi cơ quan quản lý nhà nước là chủ thể của hành vi vi phạm thì xử lý theo chế tài nào, doanh nghiệp khó có thể bảo vệ mình”.
Các đại biểu đưa ra ví dụ cụ thể như trường hợp một tô mì gói ở sân bay bán giá 160.000 đồng, thì chỉ được nhìn nhận ở góc độ cần phải kiểm soát giá chứ không nghĩ đến việc chống độc quyền. Hay những hành động buộc các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm, khuyến nghị về sử dụng một số nhãn hiệu thuốc bảo vệ thực vật... của một số địa phương trong thời gian qua cũng là hành vi vi phạm nhưng không biết điều chỉnh bởi luật nào.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trên thực tế có rất nhiều quy định của Luật Cạnh tranh vừa cứng nhắc vừa để sót nhiều hành vi vi phạm, thậm chí có quy định chưa đi vào cuộc sống. Nhìn chung, luật này chưa có tác dụng bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho thị trường, cũng như chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.
Đẩy mạnh cạnh tranh theo cơ chế thị trường
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, toàn cầu hóa nền kinh tế thì việc bảo vệ sự bình đẳng trong kinh doanh là yêu cầu cấp bách. Do vậy, những hạn chế của Luật Cạnh tranh cần sớm được khắc phục. Luật Canh tranh (sửa đổi) phải đáp ứng được yêu cầu tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.
Một nhận xét đáng lưu ý chính là cho đến nay, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa thực sự hiểu về khái niệm cạnh tranh đúng nghĩa. Luật Cạnh tranh vẫn xa vời với doanh nghiệp và rất ít doanh nghiệp nắm bắt được, không hiểu phải áp dụng ra sao. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung luật phải dùng ngôn ngữ dễ hiểu và sau đó phải tăng cường tuyên truyền pháp luật đến doanh nghiệp.
Về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng có nhiều nội dung được quy định trong dự thảo chưa hợp lý và cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn. Trong đó, nhấn mạnh việc đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan trong quá trình tố tụng, tăng cường hiệu quả trong công tác thực thi luật và Nhà nước phải đảm bảo vai trò trung tâm trong hoạt động bảo vệ cạnh tranh trên thị trường. Luật Cạnh trang (sửa đổi) làm sao vừa cụ thể, vừa bao quát việc xác định sức mạnh thị trường của doanh nghiệp, quy định rộng hơn về thỏa thuận thông đồng trong đấu thầu của doanh nghiệp, cần làm rõ hơn thuật ngữ “đối thủ cạnh tranh” tại luật, thay vì đưa vào nghị định hay thông tư... “Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần có quy định rõ ràng và khách quan hơn về các yếu tố liên quan đến con người, đến bộ máy thực thi luật trong thực tế, để làm sao giúp lành mạnh hóa thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho mỗi doanh nghiệp trên thị trường”, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, góp ý.
Có chuyên gia ví von cạnh tranh là “đức hạnh” của thị trường mà nhờ đó, nền kinh tế sẽ được điều chỉnh phù hợp. Ông Đặng Văn Nghĩa (Trường Đại học Ngoại thương) còn đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung thêm các điều kiện miễn trừ. Ví dụ, trong những trường hợp có lý do chính đáng cần cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp có quyền quyết định sản lượng và giá bán của mình thì mới đáp ứng đúng tính chất của nền kinh tế thị trường.