Nhiều ý kiến ủng hộ hành động của cơ quan chức năng khi cho rằng phố cà phê đường tàu không chỉ gây mất an toàn mà còn tạo ra cảnh nhếch nhác. Mạnh mẽ hơn, có ý kiến chỉ rõ cà phê đường tàu chỉ đem lại món tiền nhỏ cho một bộ phận nhỏ cư dân, chủ yếu phục vụ nhu cầu “sống ảo” của một số du khách.
Song, nhiều người cũng chỉ ra việc cảnh báo an toàn cho người dân và du khách ở đoạn đường này là rất khả thi, bởi tần suất tàu chạy trên đoạn đường ray dọc các tuyến phố Trần Phú, Phùng Hưng thuộc trục đường sắt kết nối ga Hà Nội với các tỉnh phía Đông Bắc và Tây Bắc như Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai... hiện chỉ còn 2 ngày cuối tuần với 8 chuyến/ngày, không có tàu chạy qua vào các ngày còn lại trong tuần. Khung thời gian tàu chạy cố định, các chủ quán kinh doanh hai bên đường thường chủ động thông báo trước khi tàu về 10-15 phút để du khách đảm bảo khoảng cách khi tàu chạy qua.
Tăng trải nghiệm, tích lũy những câu chuyện, kỷ niệm… là điều mà du lịch nước nào cũng cần hướng tới. Một hình ảnh lạ, độc đáo gắn với trải nghiệm giàu cảm xúc, mang màu sắc bản địa sẽ nhanh chóng được nhớ và lan tỏa. Tại thời điểm này, khi xu hướng du lịch check in vẫn đang được ưa chuộng, thì rõ ràng cà phê đường tàu có thể coi là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng.
Tất nhiên, không chỉ du lịch mà bất cứ dịch vụ nào mang tính tự phát cũng đều bộc lộ những mặt chưa ổn, như công trình ngắm cảnh ở Mã Pì Lèng (Hà Giang) là một ví dụ. Do đó, với phố cà phê đường tàu cũng cần được chính quyền địa phương cân nhắc cho hài hòa, thay vì cấm, xóa bỏ cho gọn! Vấn đề mấu chốt là phải có cách quản lý và vận hành cho bài bản, phù hợp như xây dựng quy chế hoạt động dành cho các quán hàng cũng như khách du lịch khi tham gia trải nghiệm thú vị này để vừa đảm bảo an toàn đường sắt, vừa đem lại nguồn thu cho người dân. Mọi quyết định đưa ra đều vì người dân, bởi thế rất cần có sự chung tay của các đơn vị liên quan để tìm được phương án phù hợp, thấu đáo, nhận được đồng thuận cao.