Luân chuyển 4.734 cán bộ để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng, trong 6 tháng đầu năm, các địa phương trong cả nước đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của 4.734 trường hợp để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

Ngày 8-7, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban 6 tháng đầu năm 2024 hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố (gọi tắt Ban Chỉ đạo).

Chủ trì điểm cầu chính có các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cùng các đồng chí Phó Ban Nội chính Trung ương.

IMG-52cb644753e42e3b2b2b88c841c4b578-V.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dự và chủ trì tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dự tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM (gọi tắt Ban chỉ đạo TPHCM).

Cùng dự có các đồng chí Phó Trưởng Ban chỉ đạo TPHCM: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM. Và đồng chí Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN-TC TPHCM.

Hoạt động nền nếp, hiệu quả

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng đánh giá, hoạt động của các Ban Chỉ đạo đã có nhiều chuyển biến rõ nét, ngày càng đi vào nền nếp, bài bản, hiệu quả.

Đồng thời quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

IMG-99d0e38bcf4d3d8f86ae615743403df6-V.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Ngô Minh Châu dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm tiếp tục khẳng định vai trò, sự cần thiết của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Qua đó, góp phần tích cực vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước”, đồng chí Võ Văn Dũng khẳng định.

"Chủ trương xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ nhìn chung được thực hiện khá nghiêm đã có tác dụng răn đe, góp phần quan trọng để thực hiện mục tiêu không dám tham nhũng, tiêu cực”, đồng chí Võ Văn Dũng đánh giá.

Theo đồng chí, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương cho thấy sự chuyển biến rõ nét, bước tiến quan trọng, góp phần khắc phục có hiệu quả tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về những kết quả đã đạt được, cũng như phương hướng, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2024. Đồng thời, hội nghị quán triệt Quy định 132 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong giám định, định giá

Phát biểu về nội dung liên quan đến công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Ngô Minh Châu cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo TPHCM đã ban hành các chương trình về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chương trình kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024.

IMG-94df5c92c585420e3e5015edc95d599f-V.jpg
Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Ngô Minh Châu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong đó, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tăng cường phối hợp, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các sai phạm, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác giám định, định giá trong tố tụng hình sự.

Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM cho biết thêm, công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự đã có nhiều chuyển biến, công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, đảm bảo yêu cầu điều tra, giải quyết các vụ án, vụ việc.

IMG-746ce17ba590131588ccd4281811c5f8-V.jpg
Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Ngô Minh Châu phát biểu từ điểm cầu TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Để hiệu quả, nhất quán và đồng bộ về công tác định giá tài sản trên cả nước, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM kiến nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo, tạo điều kiện để Hội đồng thẩm định giá cấp tỉnh được học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác định giá tài sản với Hội đồng định giá cấp bộ.

Đồng thời, kiến nghị chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu, tham mưu Chính phủ bổ sung thêm chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng định giá để đảm bảo công tác định giá được liên tục, kịp thời.

Xử lý nhiều tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm

Theo Ban Nội chính Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2024, các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã rà soát, đưa 74 vụ án, 33 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra trên địa bàn vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Cơ quan chức năng các địa phương đã khởi tố mới 456 vụ với 1.265 bị can phạm tội về tham nhũng; khởi tố 73 vụ với 64 bị can phạm tội về tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước.

Các Ban chỉ đạo đã chỉ đạo xử lý 33 trường hợp người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

IMG-986df90900cc33851533949450ab13f4-V.jpg
Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương chủ trì tại điểm cầu chính ở TP Hà Nội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nhiều việc làm sai. Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra phát hiện 63 vụ việc với 57 đối tượng tham nhũng, tiêu cực.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra và cấp có thẩm quyền đã xử lý 949 tổ chức Đảng và 1.120 đảng viên do vi phạm những điều đảng viên không được làm và có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Trong đó có nhiều cán bộ đảng viên là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của các địa phương. Đồng thời, đã chuyển 124 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra xử lý.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về xử lý cán bộ sau khi bị kỷ luật. Kết quả xem xét cho thôi giữ chức vụ Đảng, bố trí công tác khác, miễn nhiệm các chức vụ đối với 168 trường hợp. Các địa phương đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của 4.734 trường hợp để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương trong cả nước đã thực hiện tốt, hiệu quả công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực, kinh tế. Trong đó, cơ quan thi hành án ở các địa phương đã thu hồi gần 500/1.036 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục