Tự soi, tự sửa
Nhìn tổng thể công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay cho thấy, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống đang diễn biến rất phức tạp trong một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tham nhũng vụ sau cứ lớn hơn vụ trước, tổ chức rất tinh vi và diễn ra trên diện rộng, điển hình là vụ “Việt Á”, các “chuyến bay giải cứu” trong đại dịch Covid-19 và còn nhiều vụ việc khác đã được khởi tố, đang trong quá trình điều tra. Ở đây, có thể hiểu một phần do cơ chế và những quy định của chúng ta trước đây chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát quyền lực chưa đạt yêu cầu; xử lý chưa đến nơi, đến chốn… Trong khi đó, không ít cán bộ, đảng viên không giữ được mình; bằng mọi thủ đoạn nhằm thỏa mãn tham vọng của bản thân, chạy theo tiền tài, danh vọng, cố tình vi phạm và cứ nghĩ không thể bị phát hiện, bị xử lý. Sự thoái hóa, biến chất của những cán bộ, đảng viên nêu trên không chỉ gây hệ lụy xấu cho toàn xã hội, sự mất lòng tin vào Đảng và chế độ của người dân mà có thể gây nên những hậu quả nguy hiểm khôn lường cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của dân tộc chúng ta.
Để giữ mình, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, rèn luyện đáp ứng những yêu cầu, những chuẩn mực về tư cách của người cán bộ, đảng viên; mà trước hết là thấu hiểu luật pháp, xây dựng bằng được tinh thần thượng tôn pháp luật để làm đúng, không đùn đẩy né tránh, sợ trách nhiệm và trở thành ý thức thường trực trong công việc và sinh hoạt thường ngày. Với tinh thần “tự soi, tự sửa”, cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trách nhiệm giải trình, gương mẫu tự phê bình và phê bình, nhất là người đứng đầu, những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền.
Biểu hiện của văn hóa liêm chính
Một vấn đề lớn, vô cùng quan trọng: Mỗi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu gầy dựng cho bản thân ý thức liêm chính, một ý thức sống hài hòa, hòa quyện cuộc sống bản thân và gia đình với cộng đồng xã hội. Đó là ý thức được hưởng thụ những giá trị do chính mình làm ra, cùng những giá trị của phúc lợi xã hội mà mình được hưởng. Tuyệt đối tránh xa những gì không thuộc về mình, những giá trị có nguồn gốc từ tham nhũng, tiêu cực. Sống trong sạch, trong sáng, đầy lòng tự trọng để có đủ dũng khí chống lại những cám dỗ từ tham nhũng, tiêu cực đang “bủa vây” chúng ta. Đặc biệt là những người có chức, có quyền. Luôn đề cao và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp, phẩm chất cao quý của người cán bộ, đảng viên mà gần cả cuộc đời phấn đấu mới có được; cũng như truyền thống tốt đẹp của cả gia đình, dòng tộc trải qua nhiều thế hệ mới gầy dựng nên. Đồng thời, phải nghĩ đến tương lai của con, cháu. Những công dân của thế hệ tiếp theo, tâm hồn đang trong sáng không phải ân hận, tủi lòng vì những sai lầm của cha, ông.
Có thể khẳng định, đây là những động lực tinh thần vô giá, thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên trọng danh dự, có liêm sỉ và đạo đức, một biểu hiện của văn hóa liêm chính. Bên cạnh nỗ lực tự thân phấn đấu, rèn luyện của cán bộ, đảng viên để giữ mình, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện những cơ chế, luật pháp, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức, những quy định cụ thể về kiểm soát, giám sát quyền lực, xử lý sai phạm… thật chặt chẽ và thuyết phục để cán bộ, đảng viên “không dám” và “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Lãnh đạo các cấp cần tập trung chỉ đạo xây dựng các tổ chức Đảng, chi bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, nhằm tạo môi trường tốt để cán bộ, đảng viên phát huy tính tự giác của mình. Dư luận xã hội thông qua các phương tiện truyền thông cũng là một động lực to lớn, có sức lan tỏa mạnh, cần được định hướng, tổ chức, hướng dẫn và điều phối chặt chẽ để góp phần phê phán mạnh mẽ những sai phạm theo đúng tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” nhằm răn đe những người đã “nhúng chàm” nhưng chưa bị phát hiện, cũng như ngăn chặn những “tội phạm tiềm năng”.
Giữ mình để không sa vào tham nhũng, tiêu cực là một đức tính cao quý, một lối sống với ý thức chủ động có văn hóa và nhân văn, cần được tích cực xây dựng và tôn vinh.