Lừa đảo trong thương mại quốc tế ngày càng tinh vi

Chiều 2-8, Sở Công thương TP Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương, tổ chức hội nghị “Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2024”. Tại đây, Thương vụ Việt Nam tại nhiều thị trường nước ngoài liên tục cảnh báo doanh nghiệp thận trọng tránh bị gian lận thương mại quốc tế.

Các doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, đối tác tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Các doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, đối tác tại hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương cho biết, 6 tháng cuối năm 2024, bối cảnh quốc tế và trong nước có những yếu tố thuận lợi nhưng phát triển sản xuất và thương mại cũng đối diện với không ít thách thức. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng. Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu, giá cước vận tải tăng cao tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế có độ mở lớn của Việt Nam.

z5692679667774_5e101523f3c59f7399221fca2983c411.jpg
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương thông tin. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn.

Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù lừa đảo thương mại không phải là vấn đề mới nhưng gần đây câu chuyện thận trọng khi giao thương lại trở nên nóng hơn trước những cảnh báo từ các thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Việt San, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ Bộ Công thương cho rằng, gần đây, một số nước như Hoa Kỳ, Bắc Âu, Ý, Pháp, Hà Lan, Nga… xuất hiện tình trạng mạo danh các công ty nhập khẩu uy tín để lừa đảo doanh nghiệp nước ngoài. Các đối tượng lừa đảo (thường từ các khu vực Trung Đông hoặc châu Phi) lợi dụng tâm lý cho rằng các nước châu Âu là các nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, đã lập các website giả danh các công ty có thật với địa chỉ văn phòng giả tại các nước phát triển và sử dụng những phương thức lừa đảo tinh vi. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý, thận trọng và tìm hiểu kỹ đối tác trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán.

z5692702026871_1a0a7062d47a2efcf96452c746cbb2a2.jpg
Các doanh nghiệp ký kết biên bản cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tương tự, theo ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga, cần tìm hiểu kỹ về khách hàng trước khi tiến hành giao dịch, ký kết hợp đồng. Các năm gần đây, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bị các đối tượng trên internet lừa chào hàng với giá rẻ, chưa tìm hiểu kỹ đã ký hợp đồng nhập khẩu với các điều kiện lỏng lẻo, trong đó có “đặt cọc trước”. Sau khi doanh nghiệp nhập khẩu chuyển tiền đặt cọc thì đại diện công ty xuất khẩu “biến mất” hoặc yêu cầu chuyển thêm tiền rồi “biến mất”.

“Hợp đồng cần được các bên trao đổi và có sự ràng buộc kỹ càng về mặt pháp lý, tránh trường hợp lừa đảo hoặc chậm thanh toán. Đặc biệt chú trọng đến các vấn đề thanh toán, điều kiện giao nhận hàng nhằm tránh rủi ro xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Hợp đồng kinh tế cần được các bên tuân thủ sát sao, tránh vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại đối với doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu quốc gia”, ông Minh nhìn nhận.

Theo bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, việc tìm kiếm đối tác tin cậy là quan trọng nên doanh nghiệp cần tìm hiểu, xác minh đối tác và cần yêu cầu doanh nghiệp trung gian cung cấp thông tin cụ thể về đối tác; tìm hiểu hình thức bảo hiểm để giảm thiểu thiệt hại.

Tin cùng chuyên mục