Thủ đoạn tinh vi
Tháng 4 vừa qua, chị P.T.T. (36 tuổi, ngụ tỉnh Long An) lên Bệnh viện Chợ Rẫy để chăm người thân. Tại khu vực chờ thông tin của Khoa Cấp cứu, đối tượng Huỳnh Ngọc Trâm (33 tuổi) tiếp cận chị T., trò chuyện tạo lòng tin và mời chị uống ly nước có pha thuốc an thần. Sau khi chị T. mê man, Trâm chiếm đoạt tài sản của chị và tẩu thoát.
Cùng thủ đoạn trên, ngày 23-4, Trâm tiếp cận chị N.H. (48 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) trong khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy, lấy trộm tài sản khi chị H. bất tỉnh. Hai nạn nhân đã trình báo vụ việc đến Công an phường 12, quận 5. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã bắt giữ đối tượng chiếm đoạt tài sản của người dân. Tại cơ quan điều tra, Huỳnh Ngọc Trâm khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cũng xảy ra nghi án dàn cảnh lấy trộm tiền thu phí khám bệnh ngoài giờ. Camera an ninh ghi nhận một nhóm 3 người tiếp cận nhân viên thu ngân để đổi tiền lẻ và ngoại tệ với hành vi bất thường. Lúc đó, nhân viên bệnh viện có biểu hiện lơ mơ. Khi kiểm tra lại, toàn bộ tiền của bàn thu ngân (6 triệu đồng) đã bị mất. Vụ việc được trình báo đến Công an quận 10.
Gần đây nhất, chị V.X.M. (quận 1, TPHCM) làm đơn tố cáo ông Nguyễn Quốc Thắng về hành vi mạo nhận bác sĩ vật lý trị liệu của Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, liên quan đến vụ tử vong của con gái chị. Làm việc với Thanh tra Sở Y tế, ông Thắng cho biết thường xuyên vào bệnh viện, tiếp cận người nhà bệnh nhi để đề nghị tập vật lý trị liệu cho các bé có nhu cầu. Sở Y tế TPHCM nhận định, ông Thắng có dấu hiệu giả danh nhân viên Bệnh viện Nhi đồng 2 để hành nghề khám chữa bệnh nhằm mục đích vụ lợi, vi phạm pháp luật hình sự. Vụ việc đang được củng cố hồ sơ để chuyển lên cơ quan điều tra.
Siết chặt an ninh bệnh viện
TPHCM là nơi tập trung các bệnh viện hàng đầu của cả nước, với 13 bệnh viện trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành; 32 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp thành phố; 19 bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện và TP Thủ Đức, chưa kể hàng chục bệnh viện tư nhân và hàng ngàn phòng khám chuyên khoa. Thực tế trên dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, như trộm cắp, lừa đảo, bảo kê, “cò” bệnh viện…
Đơn cử như Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cơ sở y tế luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải người bệnh ngoại trú với gần 4.800 lượt khám, 950 người bệnh nội trú và hơn 1.000 người bệnh hóa - xạ trị mỗi ngày. TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết, bệnh viện đã ký quy chế phối hợp với Công an quận Bình Thạnh và Công an TP Thủ Đức trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại 2 cơ sở. Cơ sở 1 được trang bị hệ thống 194 camera giám sát, cơ sở 2 trang bị 672 camera. “Bệnh viện tổ chức cấp thẻ nuôi bệnh hàng ngày có mã QR với đầy đủ thông tin người bệnh, khoa/phòng, người nuôi. Nhờ vậy, bệnh viện kiểm soát được người ra vào và nguy cơ kẻ gian tiếp cận thân nhân, người bệnh nội trú”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn thông tin.
Bên cạnh đó, nhân viên y tế - những người trực tiếp cứu chữa người bệnh - cũng cần được bảo đảm an toàn bằng các biện pháp an ninh nội viện và ngoại viện. Đội ngũ bảo vệ thường xuyên tổ chức tuần tra khu vực hành lang, phòng bệnh, nơi chờ khám; theo dõi camera an ninh 24/24. Đây cũng là giải pháp cơ bản của hầu hết các bệnh viện.
Theo TS-BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cơ sở y tế này triển khai quy trình báo động an ninh trật tự khẩn cấp “Code Grey” từ năm 2019 với hình thức cuộc gọi tự động. Quy trình giúp huy động nhanh nhất và đồng thời lực lượng công an địa phương cùng toàn bộ đội ngũ bảo vệ bệnh viện đến trấn áp những đối tượng côn đồ, manh động trong tình huống tối khẩn cấp. Mô hình này đã được Sở Y tế TPHCM nhân rộng ra các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM.
Công an TPHCM và Sở Y tế TPHCM đã ký kết quy chế phối hợp công tác đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế trên địa bàn, được duy trì chặt chẽ và hiệu quả. Các bệnh viện cũng thường xuyên cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu nhằm nâng cao cảnh giác từ phía người bệnh và thân nhân.