Hình thức tấn công lừa đảo tài chính đang gia tăng nhanh chóng khi tội phạm mạng không ngừng nâng cao thủ đoạn, điều chỉnh chiến thuật lừa đảo trở nên tinh vi hơn. Số cuộc tấn công đã tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự gia tăng này có thể lý giải bởi sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và việc tội phạm mạng ngày càng tận dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Qua đó tạo ra các nội dung lừa đảo tinh vi, đồng thời nhắm mục tiêu hiệu quả hơn.
Theo ông Adrian Hia, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Kaspersky: “Số nạn nhân đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, do việc sử dụng ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số ngày càng phổ biến. Các chuyên gia của Kaspersky cho rằng sự gia tăng này không phải do người dùng mất cảnh giác, mà xuất phát từ thực trạng tội phạm mạng đang ngày càng táo bạo hơn trong việc tìm cách đánh cắp tiền, dữ liệu người dùng, bao gồm thông tin từ các thiết bị của công ty”.
Thông qua hình thức lừa đảo tài chính, kẻ tấn công dụ dỗ nạn nhân tiết lộ thông tin cá nhân và có giá trị, như thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng, ví điện tử… hoặc dữ liệu cá nhân và công ty được lưu trữ trong các tài khoản này.
Những tội phạm mạng sử dụng nhiều chiêu trò tấn công phi kỹ thuật (social engineering) tinh vi, giả danh các tổ chức tài chính để lừa gạt, đe dọa và ép buộc nạn nhân. Trong một số trường hợp, kẻ lừa đảo còn mạo danh các tổ chức từ thiện để dụ dỗ nạn nhân quyên góp vào quỹ giả mạo.
Thái Lan là quốc gia ghi nhận số vụ tấn công lừa đảo tài chính cao nhất với 141.258 vụ, tiếp theo là Indonesia với 48.439 trường hợp. Con số này ở Việt Nam là 40.102 vụ, trong khi Malaysia ghi nhận 38.056 cuộc tấn công lừa đảo liên quan đến các vấn đề tài chính.
Singapore và Philippines là hai quốc gia ghi nhận số vụ tấn công này ít nhất, lần lượt là 28.591 và 26.080 vụ. Trong khi đó, Thái Lan và Singapore đều ghi nhận mức tăng cao nhất, lần lượt là 582% và 406% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Hia cho biết thêm: “Các vụ lừa đảo tài chính sẽ tiếp tục gia tăng trong khu vực, với mục tiêu chính là các ngành như ngân hàng, bảo hiểm và thương mại điện tử. Ngoài việc sử dụng email lừa đảo truyền thống, tội phạm mạng cũng sẽ tiếp tục khai thác mạng xã hội và các nền tảng nhắn tin để phát tán đường dẫn lừa đảo, trang và ứng dụng giả mạo. Khi công nghệ deepfake ngày càng phổ biến, các video và tin nhắn giả mạo cũng sẽ gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi và trở nên khó phát hiện hơn”.