Lừa đảo qua mạng tinh vi đủ đường

Liên quan tới việc dữ liệu, thông tin công dân thời gian qua bị lộ, lọt nhiều, tạo điều kiện cho tội phạm lừa đảo trên môi trường mạng, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an).
Trung tá Triệu Mạnh Tùng
Trung tá Triệu Mạnh Tùng

Nhiều thủ đoạn

- PHÓNG VIÊN: Thực trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến như thế nào, thưa ông?

Trung tá TRIỆU MẠNH TÙNG: Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm, đa dạng, phức tạp trên quy mô lớn, xuyên quốc gia. Chúng sử dụng các ứng dụng, công cụ, phương tiện hiện đại để lừa đảo, như: tổ chức đánh bạc qua mạng dưới nhiều hình thức mới (cá cược các giải đấu thể thao ảo, thể thao điện tử và hình thức đặt cược tài chính chọn nhị phân qua các sàn Forex); giới thiệu việc nhẹ, lương cao; giới thiệu việc làm, tuyển cộng tác viên bán hàng online; sử dụng giấy tờ giả mang thông tin của chủ thuê bao khai báo mất SIM đề nghị cấp mới, sau đó sử dụng SIM và thông tin, tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản; tạo lập các sàn giao dịch ngoại hối, kinh doanh đa cấp trái phép; sử dụng phần mềm, mã độc tấn công, chiếm đoạt Fanpage, hội nhóm Facebook có đông thành viên... Đặc biệt, số đối tượng người nước ngoài câu kết với đối tượng người Việt Nam lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng mạnh, điển hình là hoạt động lôi kéo, tuyển dụng người Việt sang Campuchia. Bên cạnh đó là hoạt động đòi nợ thuê, cho vay “tín dụng đen” phát triển mạnh. Các đối tượng tạo lập công ty đăng ký hoạt động tư vấn pháp lý, luật tài chính, ngân hàng để ký kết hợp đồng “tư vấn pháp luật” với các tổ chức, cá nhân nhưng thực chất là ký kết các hợp đồng đòi nợ thuê. Cùng đó là tình trạng quảng cáo trên các trang tin điện tử, nền tảng mạng xã hội diễn ra tràn lan; tình hình mua bán giấy tờ, bằng cấp giả trên không gian mạng vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thức.

- Vì sao thời gian qua người dân liên tiếp bị lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân?

Hiện nay đang tồn tại nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý. Quy định về bảo vệ thông tin cá nhân nằm tản mát ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; chế tài xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân thiếu, hoặc chưa đủ sức răn đe. Điều này tạo lỗ hổng, kẽ hở cho việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu cá nhân trái phép và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộ, mất thông tin, dữ liệu cá nhân hiện nay. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp sở hữu thông tin, dữ liệu cá nhân của khách hàng, nhưng chưa có biện pháp bảo vệ. Thực tế, đã xảy ra các vụ việc nhân viên của một số tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng vị trí công việc để mua bán, trục lợi dữ liệu cá nhân...

Bên cạnh đó, còn tình trạng do chủ quan, bất cẩn của người dân như: Nhiều người sẵn sàng công khai đăng tải, chia sẻ thông tin cá nhân của mình hoặc người thân lên mạng; đổi thông tin, dữ liệu cá nhân để lấy tiện ích của ứng dụng/dịch vụ được cung cấp trôi nổi trên không gian mạng. Nhiều người còn sử dụng các phần mềm không bản quyền, dẫn đến máy tính, điện thoại thông minh tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật.

Thông báo có quà và yêu cầu chuyển khoản

- Đâu là những dấu hiệu cơ bản nhận diện hành vi lừa đảo qua diện thoại, trên môi trường mạng?

Các đối tượng thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến, qua điện thoại dưới nhiều hình thức, nhưng người dân có thể nhận diện qua một số dấu hiệu như: gọi điện dụ dỗ làm cộng tác viên để hưởng hoa hồng; hướng dẫn vào các website, ứng dụng để khai báo thông tin; tin nhắn giả mạo thương hiệu của các tổ chức, doanh nghiệp đề nghị đổi mật khẩu tài khoản, nâng cấp SIM 4G/5G…

Xưng danh cơ quan chức năng gọi điện thoại thông báo vi phạm pháp luật, có quà tặng, bưu phẩm bị tạm giữ, tai nạn đang cần tiền để cấp cứu... và yêu cầu chuyển khoản; nhắn tin qua mạng xã hội vay tiền, đề nghị điền thông tin cá nhân vào biểu mẫu tham gia bình chọn cuộc thi trên mạng; tài khoản mạng xã hội kêu gọi đóng góp từ thiện hoặc gửi quà tặng từ nước ngoài, thông báo trúng thưởng, quà tặng; kêu gọi tham gia đầu tư tiền ảo, đầu tư đa cấp…

- Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương, nhất là Bộ TT-TT, như thế nào để bảo vệ dữ liệu, thông tin người dân?

Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tập trung tham mưu Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm an ninh trật tự trên không gian mạng.

Chúng tôi đã phối hợp với các ban bộ ngành, nhất là Bộ TT-TT, Ngân hàng Nhà nước, trong việc quản lý, chấn chỉnh tình trạng SIM rác; quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, ngân hàng thương mại trong trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới...

- Qua những sự việc lừa đảo trên không gian mạng, ông có khuyến cáo gì?

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, từ số điện thoại lạ; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CMND/CCCD, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi nhận được đề nghị vay tiền, mua thẻ nạp điện thoại, yêu cầu chuyển khoản ngân hàng..., người dân cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo, nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin. Thường xuyên thay đổi mật khẩu, tăng cường bảo mật/quyền riêng tư, không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Nếu có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng, cần giữ số dư trong tài khoản ở mức thấp nhất để hạn chế nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản. Khi nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn có dấu hiệu đáng ngờ, người dân bình tĩnh, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp nghi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo tới cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý.

Tin cùng chuyên mục