Lừa đảo qua mạng gia tăng

Trước diễn biến dịch Covid-19 kéo dài, phức tạp, nhu cầu người dân thực hiện giao dịch mua bán, trao đổi thông tin trên không gian mạng gia tăng. Đây cũng là điều kiện để tội phạm công nghệ cao giăng bẫy, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tống tiền cá nhân, doanh nghiệp và cả cơ quan hành chính nhà nước.
Công an TPHCM triển khai “Góc tuyên truyền pháp luật của tuổi trẻ Công an TPHCM” đến người dân
Công an TPHCM triển khai “Góc tuyên truyền pháp luật của tuổi trẻ Công an TPHCM” đến người dân

Khó thu hồi tài sản cho bị hại

Trao đổi với PV Báo SGGP, Đại úy Phan Thành Vinh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận 11 (TPHCM) cho biết, có 3 phương thức lừa đảo đang phổ biến. Trong đó, các đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo… để mượn tiền, chuyển tiền từ người quen của chủ tài khoản; lợi dụng người dân mua hàng online qua trang thương mại điện tử, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền trước hoặc cung cấp tài khoản ngân hàng, đăng nhập vào các đường link, trang web lạ… rồi chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, tội phạm công nghệ cao còn can thiệp vào hệ thống gửi tin nhắn tự động của ngân hàng. Sau đó nhắn tin cho bị hại thông báo tài khoản đã bị khóa, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản vào các trang web giả mạo, có giao diện giống với trang web của ngân hàng. “Người dân mất cảnh giác, tin tưởng cung cấp thông tin cá nhân, mã xác thực giao dịch một lần (OTP), sau đó bọn chúng nhanh chóng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân”, Đại úy Phan Thành Vinh cho biết.

Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó Trưởng Công an quận Tân Phú (TPHCM), cho biết thêm, trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, đối tượng còn lợi dụng giả mạo thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch của cơ quan chức năng. Gửi các tài liệu có gắn mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc tống tiền. Trường hợp này, khi người dân tải, mở tài liệu hoặc truy cập vào các đường link liên kết, lập tức virus mã độc xâm nhập thiết bị của người dùng đánh cắp thông tin. “Vừa rồi trên địa bàn quận, một UBND phường bị các đối tượng xâm nhập vào hệ thống máy tính, chiếm đoạt dữ liệu nhằm thực hiện hành vi tống tiền. Công an quận Tân Phú phát hiện kịp thời, phối hợp với Công an TPHCM ngăn chặn ngay nên hậu quả chưa xảy ra”, Thượng tá Nguyễn Duy Đông chia sẻ.

Trung tá Bùi Tấn Hòa, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an TP Thủ Đức) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Công an TP Thủ Đức đã tiếp nhận trình báo và lập hồ sơ xử lý gần 45 vụ việc. “Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo có phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn nhắm vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Nhiều vụ lừa đảo nhắm đến nạn nhân là người lớn tuổi, cán bộ về hưu, phụ nữ và sinh viên, công nhân, kể cả doanh nhân, doanh nghiệp lớn”, Trung tá Bùi Tấn Hòa nói.

Tuyệt đối không tiết lộ mật khẩu, mã OTP

Bên cạnh việc cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm công nghệ cao thì việc người dân nâng cao ý thức cảnh giác vẫn là yếu tố quyết định. Luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn Luật sư TPHCM) nhìn nhận, khoa học công nghệ phát triển, tội phạm công nghệ cao hoạt động rất tinh vi qua mạng lưới tổ chức lớn, máy chủ đặt ở nước ngoài, do đó việc xác định tội phạm rất khó khăn cho cơ quan chức năng cũng như thu hồi tài sản cho bị hại. “Để kịp thời ngăn chặn thiệt hại, ngay khi phát hiện bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng đến trình báo với cơ quan điều tra quận huyện nơi cư trú”, luật sư Lê Quang Vũ nói.

Trung tá Bùi Tấn Hòa cho biết thêm, thời gian qua Công an TP Thủ Đức đã phối hợp với 194 chi nhánh, phòng giao dịch các ngân hàng trên địa bàn thành phố để kích hoạt biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua chuyển khoản. Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó Trưởng Công an quận Tân Phú, thì chia sẻ, quận Tân Phú là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác tuyên truyền trên trang Zalo “Vì quận Tân Phú bình yên” tiếp cận đến hàng trăm ngàn người. Nội dung bài viết tuyên truyền rất phong phú đa dạng về phương thức, thủ đoạn và khuyến cáo về tội phạm công nghệ cao.

Để tuyên truyền sâu rộng đến người dân, theo Đại tá Phạm Xuân Thao, Trưởng Công an quận 11 (TPHCM), cần triển khai tin nhắn tuyên truyền, cảnh báo đến từng số điện thoại người dân. Người dân tuyệt đối không tiết lộ mã pin, mã OTP, mật khẩu… với người khác, kể cả nhân viên ngân hàng. Kiểm tra thông tin trang web, đường link, chỉ thực hiện giao dịch trực tuyến trên web chính thức của ngân hàng, các web uy tín, độ bảo mật cao. Đặc biệt, người dân không cho thuê, mượn, bán quyền sử dụng tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân (CMND) cho bất kỳ ai. Đại tá Phạm Xuân Thao kiến nghị, sắp tới cần có quy định về việc mở tài khoản ngân hàng, mở hồ sơ cho vay tín chấp tại công ty tài chính. Cụ thể chỉ được sử dụng CCCD gắn chip mở tài khoản nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng CMND giả, sử dụng CMND của người khác để thực hiện hành vi lừa đảo.

Cảnh giác nạn giả CSGT gọi thông báo phạt nguội


Nhiều trường hợp người dân nhận được cuộc gọi thông báo bị phạt nguội qua hình ảnh do vi phạm giao thông, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08, Công an TPHCM) cho biết, các trường hợp vi phạm giao thông qua hình ảnh đều có phiếu chuyển đến người vi phạm qua đường bưu điện. Do đó, Phòng PC08 khuyến cáo người dân cảnh giác đối với các cuộc gọi liên quan đến biên lai phạt nguội giao thông. Khi nhận được cuộc gọi dạng này, người dân nhanh chóng báo tin cho công an địa phương gần nhất.

Tin cùng chuyên mục