Lừa đảo qua mạng: Biến ảo khôn lường - Bài 3: “Áo giáp” chắc, “thanh gươm” bén

Mặc dù các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí nhiều lần cảnh báo, nhưng nhiều người dân vẫn mắc bẫy các chiêu thức lừa đảo trên không gian mạng. Thực trạng trên cho thấy, bên cạnh việc người dân tự cập nhật thông tin, trang bị kiến thức để tự bảo vệ bản thân, thì các bộ, ngành cũng cần tiếp tục đẩy mạnh phối hợp trong xử lý vấn nạn này. Đặc biệt, ngành công an phải vào cuộc mạnh mẽ hơn, ngăn chặn các vụ lừa đảo hiệu quả hơn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Dự báo gia tăng lừa đảo qua mạng

Hãng bảo mật toàn cầu Kaspersky dự đoán một trong những xu hướng lừa đảo trực tuyến định hình trong năm 2024 là những đối tượng lừa đảo sẽ chuyển sang quảng cáo trên công cụ tìm kiếm để truyền bá các trang web nhúng phần mềm độc hại. Nếu trước đây, tội phạm mạng thường phụ thuộc vào email giả mạo (phishing email) để thực hiện hành vi lừa đảo, thì hiện tại các đối tượng này chủ trương sử dụng quảng cáo Google, Bing và nhúng phần mềm độc hại vào trong nội dung xếp vị trí đầu tiên trong kết quả tìm kiếm. Ngoài ra, do nhu cầu về các dịch vụ rút tiền điện tử tăng cao, vì vậy công cụ rút tiền điện tử sẽ là một phần mềm độc hại được thiết kế để rút tiền tự động từ ví tiền điện tử hợp pháp của nạn nhân sang ví của đối tượng lừa đảo.

Các chuyên gia tại Kaspersky cũng nhận định rằng, phong trào chuyển đổi số mạnh mẽ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, cũng chứa đựng mối đe dọa an ninh mạng không hề nhỏ trong năm 2024. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, hàng trăm ngàn người từ Đông Nam Á đã được tuyển dụng để tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến, như lừa đảo tình cảm, lừa đảo tiền điện tử, rửa tiền và đánh bạc bất hợp pháp. Việc sử dụng và tin tưởng vào các phương thức thanh toán kỹ thuật số, trong khi thiếu các quy định bảo vệ quyền của người dùng trực tuyến, đã làm tăng sự phức tạp cho vấn đề này ở Đông Nam Á.

_ (2).jpg
Cơ quan công an cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo trực tuyến

Ông Vitaly Kamluk, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu và Phân tích toàn cầu (GReAT) khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Kaspersky, nêu ý kiến: “Chúng tôi cho rằng quy mô của các cuộc tấn công lừa đảo và lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Nguyên nhân là do từ nhà điều hành đến nạn nhân đều thiếu kiến thức về kỹ thuật và pháp lý liên quan đến các cuộc tấn công như vậy”. Lời nhận xét của ông Vitaly Kamluk cho thấy, việc chống lừa đảo trên không gian mạng sẽ là một “cuộc chiến” lâu dài.

Khảo sát an ninh mạng năm 2023 của Tập đoàn Công nghệ BKAV ghi nhận, tỷ lệ người dùng nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tiếp tục gia tăng. Nếu năm 2022, con số này là 69,6% thì trong năm 2023 là 73%. Theo các chuyên gia của Tập đoàn Công nghệ BKAV, lừa đảo tài chính qua mạng bùng nổ trong những năm gần đây và trở thành vấn nạn khi nạn nhân thuộc mọi tầng lớp và sinh sống ở bất cứ đâu. Trong các vụ việc lừa đảo với mục đích tài chính, kẻ xấu yêu cầu người dùng chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Nhưng khi điều tra, các tài khoản này đều không chính chủ, khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn để tìm ra tội phạm và ngăn chặn vấn nạn lừa đảo. Các chuyên gia của Tập đoàn Công nghệ BKAV nhận định, tài khoản ngân hàng “rác” là nguồn cơn của vấn nạn lừa đảo tài chính qua mạng tại Việt Nam thời gian qua.

Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), hoạt động tội phạm công nghệ cao hiện vẫn diễn biến phức tạp, do các đối tượng lợi dụng những thế mạnh của công nghệ thông tin như tính mã hóa, tính bảo mật, tính xuyên biên giới để dễ dàng thực hiện các hành vi phạm tội. Do đó, quá trình điều tra, xử lý các vụ việc tốn rất nhiều thời gian, công sức của lực lượng chức năng. Thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, trong đó có việc phối hợp các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước, để bàn giải pháp ngăn chặn dòng tiền vi phạm pháp luật.

Đảm bảo chế tài đạt hiệu quả

Nhằm bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin trên môi trường mạng internet, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Ngày 1-3-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 27/2018/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến nay, hai nghị định trên đã bộc lộ một số kẽ hở, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý thông tin trên mạng. Để ngăn chặn hiệu quả những vụ lừa đảo trên không gian mạng, Bộ TT-TT đã soạn thảo dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP. Trong đó, Bộ TT-TT đề xuất bổ sung nhiều quy định nhằm quản lý chặt chẽ thông tin trên internet, loại bỏ tính ẩn danh trên mạng.

Bên cạnh việc phối hợp tạo “áo giáp” chắc chắn để bảo vệ người dân trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, các cơ quan chức năng cũng cần sửa những quy định theo hướng tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật hoặc bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, để “thanh gươm” pháp luật đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe.

Chẳng hạn, hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng đã tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo có được tài khoản để dẫn dụ, ép buộc nạn nhân chuyển tiền vào, sau đó chiếm đoạt. Trong trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi trên chỉ bị xử phạt từ 40-100 triệu đồng, theo khoản 5, khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia pháp lý, nếu người bị xử phạt vì hoàn cảnh khó khăn mà không có tiền đóng phạt thì cũng không có giải pháp buộc họ phải thi hành!

Tương tự, qua thực tiễn công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Công an TPHCM đã kiến nghị liên ngành tư pháp Trung ương phối hợp các bộ, ngành có liên quan xây dựng văn bản thay thế Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCABQP-BTP-BTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10-8-2012 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông; qua đó góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý trong giải quyết các vụ án, vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đồng thời xem xét sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng định lượng đối với các tội danh chiếm đoạt tài sản cho phù hợp với tình hình thực tế.

* Ông LÊ VĂN TUYÊN, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước): Triển khai một số giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán

Nhằm xử lý tình trạng mở, sử dụng tài khoản thanh toán không chính chủ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai, chỉ đạo triển khai một số giải pháp. Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán. Trong đó sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo hướng quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng mở và sử dụng tài khoản thanh toán; sửa đổi Quyết định 630/QĐ-NHNN theo hướng bổ sung quy định cho phép tổ chức tín dụng áp dụng xác thực sinh trắc học đối với giao dịch chuyển tiền vượt hạn mức nhất định...

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện khuyến nghị, cảnh báo toàn ngành về tăng cường phòng chống, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán, trong đó có nội dung yêu cầu thực hiện kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo tính hợp pháp hợp lệ và phù hợp, khớp đúng của giấy tờ tùy thân với khách hàng mở tài khoản thanh toán; kiểm tra, đối chiếu đảm bảo việc sử dụng tài khoản thanh toán được thực hiện bởi chính chủ, hoặc người được ủy quyền hợp pháp (như định kỳ áp dụng các biện pháp để kiểm tra, xác minh đảm bảo chủ tài khoản thanh toán là chủ số thuê bao di động đã đăng ký sử dụng dịch vụ SMS Banking, dịch vụ internet/ Mobile Banking).

* Thượng tá LÊ MINH HẢI, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TPHCM: Xác thực thông tin qua nhiều kênh

Tuy đối tượng phạm tội thường thay đổi thủ đoạn theo thời gian, nhưng đích nhắm đến vẫn là tài sản mà nạn nhân hiện có trên các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến… Do đó, khi gặp tình huống bị yêu cầu thực hiện các hoạt động liên quan các loại tài khoản hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại dùng để đăng ký các loại tài khoản nói trên, người dân phải hết sức cảnh giác.

Khi tham gia môi trường mạng, người dân cần kiểm tra, xác thực mọi thông tin qua nhiều kênh, nhất là xác minh thông tin từ các công ty, doanh nghiệp có liên quan thông tin mà đối tượng lừa đảo đưa ra.

Tin cùng chuyên mục