Trục lợi trên tính mạng người bệnh
Mắc bệnh khớp đã lâu, thay vì tới các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám thì bà N.T.H. (51 tuổi, ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) được một người bạn giới thiệu một fanpage quảng cáo bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện quân đội chuyên điều trị bệnh xương khớp bằng thuốc Đông y. Tin tưởng, bà H. đặt mua 2 hộp thuốc dạng viên hoàn về sử dụng. Sau khi uống khoảng 1 tuần, cơ thể bà H. xuất hiện triệu chứng sốt cao, da mẩn đỏ, môi viêm trợt chảy máu, đau rát, ăn kém, niêm mạc mắt xung huyết, rỉ dịch... nên bà H. được người thân đưa tới khám tại Trung tâm Da liễu dị ứng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tại đây, bà H. được bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng Stevens-Johnson - là các phản ứng quá mẫn trên da mức độ nặng do thuốc Đông y, viêm dạ dày và thoái hóa đa khớp.
Tại các bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Chợ Rẫy, Ung bướu TPHCM…, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận giải quyết “hậu quả” cho nhiều người mắc bệnh ung thư bị lừa mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên mạng xã hội. Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết, có nhiều người bệnh đáp ứng rất tốt với điều trị hóa chất, cân nặng tăng, các triệu chứng giảm rõ rệt, khối u trên phim chụp cắt lớp vi tính cũng giảm gần hết. Tuy nhiên, nghe đâu đó quảng cáo về một số loại thuốc ngoại nhập “điều trị dứt điểm” được bệnh ung thư, họ đã không tiếc tiền bỏ ra hàng chục triệu đồng đặt mua về dùng. Nhưng sau khi sử dụng, sức khỏe ngày càng xấu đi, khi họ đến bệnh viện khám lại, khối u đã di căn vào xương và nhiều bộ phận khác trong cơ thể nên việc điều trị rất khó khăn.
Chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi
Mới đây, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án và khởi tố 26 bị can trong đường dây lừa đảo, buôn bán thuốc Đông y không rõ nguồn gốc do đối tượng Phạm Viết Trung (sinh năm 1995, tạm trú ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cầm đầu. Đường dây này đã lập nhiều nhóm kinh doanh, mỗi nhóm gồm 2 đối tượng. Một đối tượng có nhiệm vụ lập fanpage rồi chạy quảng cáo, mời chào người bệnh; đối tượng còn lại có nhiệm vụ giả danh bác sĩ tại các bệnh viện trung ương để tư vấn, bán thuốc. Các loại thuốc đều được đặt từ một số hộ kinh doanh thuốc Đông y sản xuất, đóng gói với giá 25.000 đồng/hộp, có thành phần không rõ ràng, nhưng được bán với giá 2,5 triệu đồng/hộp.
Tinh vi hơn, nhóm đối tượng này còn thực hiện chiêu trò “giảm giá” cho người già, người nghèo, người bệnh nặng, với mức giá từ 700.000 đồng - 1 triệu đồng/hộp. Theo nhiều chuyên gia y tế, lợi dụng sự phát triển công nghệ, mạng xã hội cùng sự lo lắng của nhiều người khi mắc các bệnh hiểm nghèo và tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, không ít đối tượng đã tìm cách trục lợi bằng thủ đoạn lừa đảo tinh vi.
Chỉ cần một lần nhấp chuột trên Google với cụm từ “Thuốc điều trị ung thư” đã cho tới hàng chục triệu kết quả trong vòng chưa đầy một giây. Trong đó, nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn. Những loại thuốc này có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng, với các công dụng khác nhau như: thuốc phòng chống bệnh ung thư, thuốc giảm tác dụng hóa trị, xạ trị ung thư, thuốc cho người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. GS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, thông tin, hiện trên thế giới ghi nhận hơn 200 loại bệnh ung thư. Tuy nhiên, việc chẩn đoán, điều trị căn bệnh nguy hiểm này có nhiều phương pháp hiện đại, hiệu quả nên nhiều loại bệnh ung thư đã được chữa khỏi.
Hiện nay, trang thiết bị, máy móc cho chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư của Việt Nam sánh ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong chẩn đoán, chúng ta có nhiều trang thiết bị hiện đại để phát hiện sớm. Về điều trị, có nhiều hóa chất, thuốc đích, thuốc miễn dịch tăng cơ hội chữa khỏi cho người bệnh, kể cả ở giai đoạn muộn. Do đó, người bệnh nên lựa chọn cơ sở y tế chuyên khoa uy tín và các bác sĩ đúng chuyên ngành để điều trị nếu mắc bệnh; tuyệt đối không tin vào các loại thuốc nam, thuốc ngoại nhập hay chiêu trò quảng cáo tràn lan trên mạng, nhất là với bệnh ung thư, vì sẽ khiến người bệnh vừa mất tiền vừa làm bệnh nặng thêm khi không được điều trị kịp thời, đúng phương pháp.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM thường xuyên phát đi cảnh báo người bệnh và người nhà người bệnh tìm hiểu kỹ, tỉnh táo trước chiêu trò của các đối tượng lập trang web và fanpage mạo danh bệnh viện để tiếp cận người bệnh, nhằm chào bán sản phẩm thuốc, dịch vụ y tế kém chất lượng. Thậm chí, đối tượng lập trang web, fanpage còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện trên các kênh thông tin đại chúng và lồng tiếng quảng cáo sản phẩm nhằm lôi kéo người theo dõi, mua hàng.