Đến sáng 16-3, anh Nguyễn Trịnh Anh Tuấn (1980, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), là bạn của một phụ huynh học sinh đang học ở Trường THCS Hồ Nghinh (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh Tuấn cho biết, khoảng 14 giờ ngày 15-3, người bạn của anh nhận cuộc gọi từ một số máy lạ với nội dung “con anh đang cấp cứu trong bệnh viện với tình trạng nguy kịch” và đọc vanh vách thông tin cá nhân của cháu, sau đó ngắt máy. Sau đó gọi điện lại thì không được, trong khi lại đang công tác xa nên bạn của anh Tuấn nhờ anh chạy khắp các bệnh viện ở Đà Nẵng để tìm con. Tuy nhiên, sau đó cháu vẫn đi học ở trường bình thường.
“Bạn tôi tin ngay vì người gọi nói vanh vách tên con, trường lớp và tên cô giáo chủ nhiệm. Hơn nữa ban đầu họ chỉ thông báo "con bị nạn đang đi cấp cứu" chứ không nói đến chuyện tiền”, anh Tuấn kể.
Không chỉ ở Trường THCS Hồ Nghinh, trò lừa “con bị tai nạn cấp cứu nguy kịch, cần phải chuyển tiền để mổ gấp...” xuất hiện ở nhiều trường như Tiểu học Núi Thành, Tiểu học Lê Lai, Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu); Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Liên Chiểu),…
Bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành cho biết, trong chiều 14-3, bà nhận 30 phản ánh từ cha mẹ học sinh về vụ việc gọi điện thoại lừa đảo. Theo phản ánh của cha mẹ học sinh, các đối tượng lừa đảo bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu gọi vào thời điểm học sinh đang ngủ trưa, lúc này chỉ có cô giáo quản sinh quán xuyến giờ ngủ học sinh, không có giáo viên chủ nhiệm. Các đối tượng giả danh giáo viên chủ nhiệm, thông báo cha mẹ học sinh là "con đang cấp cứu tại Bệnh viện" sau đó chuyển điện thoại qua người tự xưng là nhân viên cấp cứu. Tùy trường hợp, các đối tượng yêu cầu chuyển 20 triệu đồng để nộp viện phí hoặc yêu cầu cha mẹ học sinh chờ sẽ có nhân viên cấp cứu gọi điện.
Tương tự, theo bà Trần Thị Tường Vi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu), lớp 4/2 đã có gần 20 cha mẹ học sinh nhận được cuộc gọi lừa đảo này. Cha mẹ học sinh bức xúc và bày tỏ thắc mắc là vì sao đối tượng lừa đảo lại có thông tin chính xác về tên tuổi học sinh, giáo viên chủ nhiệm và tên tuổi, số điện thoại của cha mẹ học sinh.
Nghi vấn việc “lộ” thông tin, theo ông Nguyễn Đức Tú Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu, hiện đơn vị đang tổng hợp thông tin từ các trường để chuyển cho cơ quan chức năng. Vài hiệu trưởng phản ánh, dịch Covid-19 một số trường đã cài app “Sức khỏe học đường” và phụ huynh phải đăng nhập bằng số điện thoại, khai báo thông tin đầy đủ. Ngoài ra, có trường hợp người lạ giới thiệu là nhân viên Trung tâm ngoại ngữ đứng trước cổng trường tìm cách hỏi thông tin các thành viên trong gia đình nhất là xin thông tin email, số điện thoại của cha mẹ học sinh.
Sau khi phối hợp với Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng hướng dẫn trường học, phụ huynh từng bước về việc nhận cuộc gọi lừa đảo, đại diện Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Công an TP Đà Nẵng cho biết, đến hiện tại, địa phương vẫn chưa ghi nhận trường hợp thiệt hại nào. Hiện đơn vị đang xác minh, điều tra, truy đối tượng giả danh lừa nhiều phụ huynh nói trên.
“Các trường thường cập nhật thông tin như họ và tên học sinh cùng số điện thoại phụ huynh phục vụ cho công tác tuyển sinh, tổng kết,… và các đối tượng lừa đảo đã khai thác và lợi dụng từ nguồn này”, đại diện Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao nhận định.