
Thời tiết ở Bảy Núi (An Giang) diễn biến bất thường, khô hạn có chiều hướng gia tăng cộng với tác động từ giá cả khiến nông dân bỏ lúa đặc sản đi sạ lúa ngắn ngày. Do vậy, diện tích lúa đặc sản Bảy Núi bị thu hẹp dần, hiện còn không quá 2.000 ha, chỉ bằng 1/4 toàn vùng.
Thời tiết tác động sản xuất
Vụ mùa năm 2006, cây lúa đặc sản ở khu vực Văn Giáo, Vĩnh Trung và An Cư (huyện Tịnh Biên) chết khô do gặp hạn lúc trổ bông và làm đòng, hàng trăm hécta bị mất trắng hoặc cho năng suất rất thấp. Nhiều hộ đồng bào lâm vào tình cảnh khốn đốn! Nông dân chỉ biết đứng nhìn cây lúa héo hon từng ngày, chứ không cách nào ứng phó nổi.
Đồng bào lý giải, đây là loại lúa thơm dài ngày, năng suất từ 3,5 đến 4 tấn/ha, dễ chăm sóc và ít tốn chi phí. Tuy nhiên, nó đòi hỏi thời vụ khắt khe, từ khâu gieo mạ (mưa đầu mùa) đến giai đoạn trổ bông và làm đòng (khoảng tháng 10 Âm lịch) bởi có nước thì mới chắc hạt và đạt năng suất. Do vậy, năm nào mưa nhiều, trữ lượng nước dồi dào, cây lúa thơm Bảy Núi trúng mùa, ngược lại sẽ bị sụt giảm năng suất hoặc mất trắng.

Nông dân vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang) thu hoạch
lúa đặc sản
Trong nỗ lực khôi phục, huyện Tịnh Biên hiện vẫn duy trì vài chục hécta lúa Nàng Nhen thơm ở Văn Giáo, Vĩnh Trung, An Phú và thị trấn Tịnh Biên. Tuy nhiên thực tế cho thấy, muốn phát triển nhiều hơn sẽ gặp khó vì không có thị trường tiêu thụ.
Vụ mùa 2008, xã Văn Giáo chỉ cấy 4 đến 5 ha lúa Nàng Nhen thơm, trong khi 349ha ruộng vùng cao sạ lúa ngắn ngày gần hết. Anh Nguyễn Lộc Giang, kỹ thuật viên nông nghiệp xã, than: “Lúa Nàng Nhen thơm thu hoạch xong không có ai mua nhưng vì muốn giữ gốc lúa đặc sản nên phải động viên bà con Khmer đừng bỏ giống”. Tại các xã Vĩnh Trung, Tân Lợi, An Cư, An Hảo… trong huyện Tịnh Biên cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Năm nay, nông dân Khmer huyện Tịnh Biên cấy khoảng 1.000ha lúa đặc sản, diện tích còn lại khoảng 4.000ha là sạ lúa ngắn ngày. Cùng với tình trạng mưa sớm, hạn kéo dài, nông dân xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn) cũng tức tốc sạ lúa cao sản, ngắn ngày với khoảng 700ha.
Ông Chau Sa Im, Chủ tịch UBND xã, nói: “Đồng bào dân tộc Khmer đất ruộng ít, sản xuất gặp khó khăn, phải xoay trở tình thế liền. Nếu không, xảy ra mất mùa, thiếu đói càng nguy hiểm hơn”. Một nguyên nhân khác là vụ đông-xuân 2007-2008, lúa cao sản và ngắn ngày giá cao; khiến nông dân bỏ lúa đặc sản, chạy theo sạ lúa cao sản và ngắn ngày!
“4 nhà” cần gặp nhau
Theo một đề tài nghiên cứu khoa học cho biết, 10 năm trước đây, 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang) có đến 46 loại giống “cây lúa đặc sản Bảy Núi” thì bây giờ toàn vùng chỉ còn không quá 15 loại! Với tình trạng này, chuyện “cây lúa đặc sản Bảy Núi” biến mất hoàn toàn là điều có thể xảy ra. |
Ở huyện Tri Tôn, cánh đồng ven chân núi Cô Tô, núi Dài, núi Sà Lôn… cây lúa đặc sản ngày càng thưa dần. Theo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, cây lúa đặc sản toàn huyện còn chừng 1.000 ha, do bị cây lúa cao sản và ngắn ngày “lấn”.
Đây là cản trở lớn trong việc duy trì và phát triển vùng nguyên liệu “cây lúa đặc sản Bảy Núi”. Do đặc tính sinh trưởng và không thể trồng dưới đồng bằng cho nên người ta gọi lúa ở đây là “cây lúa đặc sản Bảy Núi”. Đặc biệt, “cây lúa đặc sản Bảy Núi” hương vị đậm đà rất riêng, giá bao giờ cũng cao hơn lúa và gạo cao sản, ngắn ngày.
Vài năm trở lại đây, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã phối hợp với Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang và Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng khoa học công nghệ An Giang tiến hành phục tráng giống lúa Nàng Nhen thơm để phát triển vùng sản xuất tập trung, vừa tạo ra thương hiệu gạo cho Bảy Núi với kỳ vọng vực dậy tiềm năng và lợi thế sản phẩm đặc sản có một không hai này của tỉnh An Giang.
Theo quy hoạch chung, huyện Tịnh Biên cố gắng giữ khoảng 3.000ha, còn huyện Tri Tôn cũng “cầm cự” cỡ 1.500 đến 2.000 ha lúa đặc sản, chủ yếu là loại giống lúa Nàng Nhen thơm. Thế nhưng, mọi nỗ lực hiện vẫn chưa đáp ứng như mong đợi, nếu không nói là… chỉ mới là hô hào trên diễn đàn, chứ “4 nhà” chưa thật sự gặp nhau.
Từ trước đến nay, các đề tài nghiên cứu về “cây lúa đặc sản Bảy Núi” tỉnh An Giang hầu hết đều chỉ dừng lại ở mức độ khảo nghiệm, thực nghiệm, trình diễn… chứ chưa nhân rộng được bao nhiêu. Chưa kể, việc ký kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân cũng chưa được quan tâm một cách thích đáng. Thêm vào đó, thời tiết trên vùng cao Bảy Núi cứ diễn biến bất thường, tác động mạnh đến sản xuất.
PHAN TRỌNG ÂN