Trong báo cáo mang tên “Ước tính năng lượng, điện và năng lượng hạt nhân trong giai đoạn đến năm 2050”, IAEA đã đưa ra hai dự báo về triển khai năng lượng hạt nhân toàn cầu. Dự báo thứ nhất cho thấy công suất điện hạt nhân toàn cầu tăng khoảng 40%, từ 372GW điện vào năm 2023 lên 514GW vào năm 2050. Dự báo thứ hai khả quan hơn, cho thấy công suất vận hành của điện hạt nhân toàn cầu sẽ đạt 950GW điện vào năm 2050, gấp khoảng 2,5 lần so với con số năm 2023, với “sự đóng góp đáng kể từ các lò phản ứng module nhỏ (SMR)”.
Báo cáo khẳng định vai trò quan trọng của các chính sách và chiến lược hỗ trợ quốc gia, cơ chế tài chính thuận lợi hơn, đầu tư vào lưới điện và phát triển lực lượng lao động trong việc biến dự báo khả quan nhất thành hiện thực.
Báo cáo ước tính đến cuối năm 2023, tổng cộng có 413 lò phản ứng điện hạt nhân đã hoạt động trên toàn thế giới và 59 lò phản ứng với tổng công suất 61,1GW điện đang được xây dựng. Điện hạt nhân chiếm 9,2% tổng sản lượng điện toàn cầu vào năm 2023. IAEA lưu ý rằng, khoảng 30 quốc gia hiện không có nhà máy điện hạt nhân đang xem xét hoặc tiến hành các kế hoạch đưa năng lượng hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của họ.
Cũng theo đà này, một số quốc gia đang mở rộng và kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân hiện có. Báo cáo của IAEA lưu ý rằng, việc kéo dài vòng đời của các lò phản ứng hạt nhân hiện có là một trong những nguồn điện phát thải thấp hiệu quả nhất về mặt chi phí.
Theo IAEA, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về xây dựng các lò phản ứng mới, theo đó Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt 11 lò phản ứng mới, bao gồm thiết kế thế hệ thứ tư, như một phần của khoản đầu tư 31 tỷ USD vào công suất hạt nhân mới.
Sau thành công của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) năm 2023 tại Dubai và Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân đầu tiên tại Brussels (Bỉ) vào tháng 3-2024, động lực toàn cầu dành cho năng lượng hạt nhân vẫn tiếp tục tăng tốc. COP28 lần đầu tiên đưa năng lượng hạt nhân vào Báo cáo kiểm kê toàn cầu, một bản kiểm kê các biện pháp đang được thực hiện để hỗ trợ triển khai các công nghệ phát thải thấp nhằm giúp đạt được mục tiêu khử carbon. IAEA sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế về SMR và ứng dụng của chúng tại Vienna, Áo từ ngày 21 đến 25-10, nơi sẽ tập hợp nhiều bên liên quan để thảo luận về cách đẩy nhanh việc triển khai SMR.
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi nhận định: “Động lực toàn cầu đằng sau năng lượng hạt nhân vẫn tiếp tục tăng tốc, các dự báo mới của IAEA phản ánh năng lượng hạt nhân ngày càng được công nhận là một nguồn cung cấp năng lượng sạch và an toàn”.