Thảo luận về dự án luật, đa số đại biểu cho rằng sau gần 15 năm thực hiện, nạn bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Phát biểu tại hội thảo, TS Khuất Thị Thu Hiền, Trưởng Khoa Luật (Đại học Lao động Xã hội) cùng một số chuyên gia đề nghị bổ sung thêm hành vi “lựa chọn giới tính của thai nhi” vào phần hành vi bạo lực gia đình. Đại diện tổ chức Phụ nữ Liên hiệp quốc, bà Phạm Thị Lan, đề nghị bổ sung quy định để đảm bảo người bị bạo lực gia đình được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ toàn diện, miễn phí, bao gồm cả thu thập bằng chứng y tế miễn phí, quyền có người đại diện pháp lý…
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp, chắt lọc, gửi tới ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội, góp phần hoàn thiện dự án luật với chất lượng cao để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 sắp tới.
Cùng ngày, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM phối hợp với Hội Nữ trí thức TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tham dự cùng các luật sư, chuyên gia có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng để phòng ngừa bạo lực gia đình thì công tác giáo dục, tuyên truyền rất quan trọng, từ trẻ mẫu giáo cho đến các bậc học cao hơn đều cần được học với mức độ phù hợp lứa tuổi. PGS-TS Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM góp ý cần bổ sung hình thức răn đe, xử phạt phù hợp như lao động công ích, phạt tiền người gây ra bạo lực, xây dựng, kết nối mạng lưới toàn quốc dịch vụ liên ngành hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới.
Đồng tình với các ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Lệ góp ý thêm, cần xác định rõ hành vi bạo lực gia đình giữa những người sống chung, người có quan hệ nuôi dưỡng. Bổ sung một số hành vi bị cấm, như hành vi kiểm soát, ngăn cản thực hiện các quyền chính đáng như đi lại, giao lưu kết bạn, các việc mà pháp luật không cấm; hoặc hành vi thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm trước bạo lực gia đình.