Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một chủ trương quan trọng của Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Nhận thức và thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả chủ trương này không chỉ góp phần trực tiếp vào việc xây dựng, củng cố các giá trị văn hóa, tính cách của con người mà còn tạo ra một sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của hệ thống chính trị Thành phố.
Song, phải thừa nhận, để xây dựng và định hình nên những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của một đơn vị, địa phương thể hiện qua những giá trị vật chất và tinh thần, nhất là qua tính cách của con người ở nơi đó là một việc khó khăn và rất lâu dài, đòi hỏi một nỗ lực kiên trì với những giải pháp đồng bộ. Do đó, trước tiên cần xác định việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ phải gắn bó chặt chẽ với việc phát huy các đặc trưng tính cách con người thành phố là năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình.
Bên cạnh đó, cũng cần có sự chú trọng đến việc xây dựng không gian văn hóa bằng việc tái hiện sinh động những giá trị trong cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như mô hình phòng đọc Hồ Chí Minh, phòng truyền thống đơn vị với những hình ảnh, tư liệu, tác phẩm gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Người để từ đó tạo ra sự nhận thức trực quan của cán bộ, đảng viên, người lao động, học sinh, sinh viên một cách thường xuyên, liên tục
Về mặt giải pháp, ngoài không gian hiệu hữu tái hiện sinh động những giá trị, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như tủ sách, phòng trưng bày hay các cuộc triển lãm thì cần nghiên cứu và lựa chọn nội dung trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có sự phù hợp với những giá trị văn hóa con người Thành phố để đẩy mạnh học tập, tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân. Trong đó có thể lựa chọn học tập và tuyên truyền những giá trị điển hình trong cuộc đời, sự nghiệp của Bác như tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, lòng nhân ái, yêu thương con người.
Đây cũng là những giá trị có tính tương đồng rất cao với đặc tính con người Sài Gòn – TPHCM. Và khi tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ sẽ góp phần từng bước tạo ra sự chuyển hóa về nhận thức và hành vi văn hóa, củng cố hơn nữa tính cách con người Thành phố.
Bên cạnh đó, để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh một cách thiết thực và hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội thành phố thì mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cấp, mỗi ngành cần có sự xác định cụ thể nội dung xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong phạm vi đơn vị của mình, mà trong đó phải đặc biệt chú trọng làm cho những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng có sự lan tỏa, thấm sâu vào hoạt động và việc làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Trong một cơ quan chính quyền, nhất là nơi tiếp xúc trực tiếp với nhân dân cần lựa chọn một số giá trị cơ bản nhất trong phong cách làm việc và ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân, là “công bộc của nhân dân”. Ở đó, phải gần gũi, thấu hiểu, chia sẻ, chí công vô tư, đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết… để làm tiêu chí xây dựng phong cách làm việc. Từ đó hình thành văn hóa chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức Thành phố.
Hay trong trường học phải thật sự đặc biệt chú trọng xây dựng phẩm chất đạo đức cho đội ngũ thầy, cô giáo theo tinh thần trên. Trong bệnh viện, cần phải chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức đạo đức của đội ngũ y bác sĩ theo tinh thần “Lương y phải kiêm từ mẫu”...
Do đó cũng cần phải có sự lựa chọn những chỉ dẫn cốt lõi nhất của Người để xây dựng đơn vị, văn hóa ứng xử của đội ngũ viên chức để từ đó từng bước tạo ra chuyển biến tích cực trong hoạt động của từng cơ quan, đơn vị. Làm được như vậy thì trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố sẽ có một điểm nhấn nổi bật là văn hóa chính trị thể hiện qua văn hóa của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Từ kết quả này cộng hưởng và kết hợp với những sự chuyển biến khác trên lĩnh vực văn hóa sẽ từng bước góp phần hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố mang tên Bác.