Đến vụ đông xuân 2023-2024, lúa cũng bị chết do ảnh hưởng bởi nồng độ mặn cao. Điều trùng hợp là vào thời điểm này, đơn vị thi công đang tiến hành bơm cát nền, các diện tích bị thiệt hại cũng đều nằm dọc theo tuyến đường cao tốc đang thi công. Đến khi xuống giống vụ hè thu, tình trạng lúa chết dọc tuyến đường đang thi công vẫn diễn ra.
Ông Đỗ Văn Quyên, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho biết: Vụ lúa đông xuân 2023-2024, khi mới sạ được khoảng 1 tháng, cây lúa phát triển tốt, không có vấn đề gì. Từ khi bơm cát thi công đường cao tốc, lúa khoảng 45-50 ngày tuổi thì bị đỏ và chết dần từng bụi, diện tích thiệt hại khoảng 2.200m2. “Ban đầu người dân chúng tôi nghĩ lúa bị bệnh nên mua thuốc để xử lý, nhưng lúa vẫn chết. Sau đó, nông dân báo cáo lên xã, nhờ ngành chuyên môn xuống đo độ mặn thì phát hiện độ mặn quá cao. Tới vụ hè thu này, lúa lại tiếp tục chết”, ông Đỗ Văn Quyên nói.
Tương tự, ông Nguyễn Trường Sơn kể, sau khi lúa đông xuân của gia đình ông gieo sạ được 45 ngày, đơn vị thi công bơm cát và tràn nước vào ruộng. Khi lúa đón đòng sau khoảng 5-6 ngày thì bị vàng. Đến lúc lúa trổ bông thì thấy hạt lép, lúa bị đỏ nên ông báo lên tổ kỹ thuật xã. Cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra và cho rằng lúa bị nhiễm mặn. Trong tổng số 2.800m2 lúa đông xuân, diện tích bị thiệt hại 70%. Đến vụ hè thu này, do đường cao tốc cắt ngang, không có kênh để thoát nước, mặn còn tồn đọng từ vụ trước nên khi lúa gieo sạ khoảng 12 ngày thì chết dần, đến nay diện tích lúa bị chết khoảng 1.200m2.
Trước tình trạng lúa đông xuân của nông dân bị thiệt hại, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã cử đơn vị chuyên môn kiểm tra, xác minh hiện trạng. Theo kết quả kiểm tra của chi cục thủy lợi về lượng nước còn trong ruộng lúa của các hộ dân bị ảnh hưởng bằng máy đo mặn, ghi nhận nồng độ mặn là 2,5‰ và đo đối chứng phần nước bên ngoài ruộng không bị ảnh hưởng, nồng độ mặn là 0,1‰. Ngoài ra, địa bàn xã Vị Thắng nằm trong khu vực an toàn, không bị nhiễm mặn tự nhiên và không bị ảnh hưởng do thiên tai. Từ các kết quả xác minh thực tế và báo cáo của địa phương, Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang nhận định, lúa đông xuân của 9 hộ dân với diện tích 2,48ha lúa bị chết và giảm năng suất là do nhiễm mặn.
Đến vụ hè thu 2024, người dân tiếp tục báo về việc diện tích lúa dọc đoạn đường đang thi công tiếp tục bị chết. UBND huyện Vị Thủy đã mời các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập đoàn khảo sát diện tích lúa bị ảnh hưởng. Tham gia cùng đoàn có đại diện của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), Công ty Trường Sơn - đơn vị thi công đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Qua khảo sát thực tế tại thửa ruộng lúa hè thu có diện tích 3.700m2 của 2 hộ dân (trong tổng số khoảng 1,7ha lúa hè thu của 9 hộ dân bị ảnh hưởng, do địa phương tổng hợp) vào ngày 10-5, đoàn ghi nhận hiện trạng lúa sau sạ từ 25-30 ngày, một số diện tích bị chết trên 70%; một số diện tích bị ảnh hưởng từ 20%-50%. Sau khi kiểm tra thực tế, đoàn xác định lúa bị ảnh hưởng do nồng độ mặn cao, nhưng chưa thể xác định được nguồn mặn từ đâu!
Dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm tiến độ 10%
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa báo cáo Bộ GTVT về tình hình triển khai dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Theo đó, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đã thi công đạt 55,8% sản lượng kế hoạch năm, bằng 33,5% giá trị hợp đồng, chậm 9% so với tiến độ điều chỉnh. Tương tự, đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 30% giá trị hợp đồng, chậm 10% so với tiến độ điều chỉnh.
MINH DUY