Lúa chất lượng cao, phát thải thấp: Đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh

Những kết quả tích cực từ mô hình thí điểm sản xuất lúa “chất lượng cao, phát thải thấp” đầu tiên tại huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) đã mang đến sự phấn khởi và khích lệ lớn cho bà con nông dân địa phương.

Long Phú nằm ở hạ nguồn sông Hậu, có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, lúa là cây trồng chủ lực, với tổng diện tích trên 16.000ha; tỷ lệ sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm hơn 98,9%. Vụ lúa hè thu năm 2024, đây là địa phương đầu tiên được Sóc Trăng chọn thí điểm đề án “Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án).

Thu hoạch lúa sản xuất theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở huyện Long Phú, Sóc Trăng.jpg
Thu hoạch lúa sản xuất theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở huyện Long Phú, Sóc Trăng

Mô hình thí điểm Đề án có diện tích 50ha, với 46 hộ thuộc HTX Hưng Lợi (ấp An Hưng, xã Long Đức) tham gia. ST25, giống lúa đặc sản, chất lượng cao của địa phương, được chọn thí điểm. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 50% lúa giống, 50% phân bón và 100% dịch vụ cơ giới gieo sạ. Nông dân còn được hỗ trợ dụng cụ đo, theo dõi mực nước trên ruộng thông qua ứng dụng trên điện thoại, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất.

Theo ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, lần đầu làm theo Đề án mới lạ so với sản xuất truyền thống, nhưng các hộ đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật được hướng dẫn. Ưu điểm của mô hình là sạ thưa, giúp giảm được giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới, nên chi phí đầu tư thấp. Chất lượng lúa thu hoạch từ mô hình rất tốt vì sử dụng ít phân bón, thuốc trừ sâu, thương lái ưa chuộng, mua giá cao.

Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: Nhờ ứng dụng cơ giới hóa trong gieo sạ, kết hợp với vùi phân nên lượng giống chỉ còn 60kg/ha (giảm 20-40kg/ha); tỷ lệ sử dụng phân đạm giảm 40%; thuốc bảo vệ thực vật giảm 4 lần phun so với ngoài mô hình. Bên cạnh đó, mô hình cũng áp dụng phương pháp kỹ thuật ướt - khô xen kẽ, quản lý nguồn nước bằng thiết bị cảm biến; triển khai cơ giới hóa khâu thu hoạch và xử lý, thu gom rơm rạ ra khỏi đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình thí điểm đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, năng suất lúa trung bình của mô hình đạt 7,1-7,8 tấn/ha, toàn bộ lúa sau thu hoạch được bao tiêu thu mua với giá 10.800 đồng/kg (cao hơn bên ngoài 2.000-3.000 đồng/kg).

Theo tính toán, tổng chi phí sản xuất lúa trong mô hình thấp hơn ngoài mô hình trên 20%, tăng thu nhập cho nông dân 20%-25% (tương đương 15-18 triệu đồng/ha). Chỉ số phát thải mô hình thí điểm tại Long Phú là 9.505kg CO2/ha/vụ, trong khi chỉ số phát thải ngoài mô hình lên đến 13.501kg CO2/ha/vụ. Kết quả trên cho thấy, việc áp dụng các kỹ thuật mới trong quy trình sản xuất của Đề án đã góp phần giảm phát thải 3.996kg CO2/ha/vụ (tương đương 29,6%).

Ngành chức năng và nông dân huyện Long Phú (Sóc Trăng) thăm ruộng lúa sản xuất theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.jpg
Ngành chức năng và nông dân huyện Long Phú thăm ruộng lúa sản xuất theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Ông Lâm Tiến Thạch, Bí thư Huyện ủy Long Phú, cho biết, theo kế hoạch, huyện sẽ tham gia Đề án đến năm 2030 với 8.150 ha (chiếm 51% diện tích lúa toàn huyện). Những hiệu quả tích cực bước đầu của mô hình đã mang lại sự phấn khởi và khích lệ lớn nông dân, doanh nghiệp và địa phương tham gia Đề án.

Huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, quyết tâm triển khai thực hiện thành công Đề án trên địa bàn. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục