Cánh đồng bắp đổ rạp sau đêm mưa ở tỉnh Hòa Bình |
Chỉ sau một cơn dông lốc đầu mùa, nhiều cánh đồng bắp và lúa ở Hòa Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Cao Bằng… đổ rạp, nát dập thảm hại.
Chị Bùi Thị Phương ở huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ, tường xây cao 2m nhưng mưa gió quần 2 giờ đồng hồ đêm 7-5, cây cối đã ngã đổ, những vườn bắp rạp xuống đất. Ngoài đồng, những ruộng lúa hồi chiều còn ngát hương thơm mùi sữa lúa non, chỉ sau một đêm, sáng ra tơi tả như bị trâu, bò, voi "quần"…
Lúa nát như bị voi "quần" |
Thời tiết được cộng đồng mạng xã hội ví là “lật mặt” quá nhanh, bởi sau chuỗi ngày nắng nóng kỷ lục thì đến chiều 7-5, không khí lạnh bất ngờ tràn về, đã gây những trận lốc xoáy và mưa đá.
Mưa đá tại tỉnh Cao Bằng chiều 7-5 |
Cụ thể, tại các huyện Trà Lĩnh và Hà Quảng của tỉnh Cao Bằng, đã xuất hiện trận mưa đá được coi là lớn nhất năm 2023 tại khu vực này. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, dông, lốc đã xảy ra tại các xã trên địa bàn các huyện: Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hà Quảng.
Riêng tại các xã: Phi Hải, Quốc Toản (huyện Quảng Hòa); Tổng Cọt, Nội Thôn, Lũng Nặm (huyện Hà Quảng); Quang Hán, Quang Vinh, Cao Chương và thị trấn Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh) đã xuất hiện trận mưa đá diện rộng, làm thiệt hại nặng về nhà ở, hoa màu của nhân dân.
Cây non vừa trồng tại Trà Lĩnh và Hà Quảng (Cao Bằng) bị mưa đá đánh dập chiều 7-5. Ảnh do người dân cung cấp |
Chị Hoàng Thị Nhi ở xã Tổng Cọt cho biết, mưa đá đã làm nát hàng trăm héc-ta bắp tại đây. Nhiều mái nhà lợp ngói bị mưa đánh thủng, đứng bên trong nhìn thấy trời. Chị Nguyễn Thị Hương ở Tổng Cọt cũng cho biết, nhà chị nát hết mái ngói, để lợp lại cần tốn ít nhất 20 triệu đồng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng thống kê, có 471 nhà ở bị hư hỏng mái.
Mái nhà lợp fibroximang bị mưa đá đánh thủng |
Ngày 8-5, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện đã chỉ đạo các xã triển khai hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Hòa đã cử 30 chiến sĩ hỗ trợ nhân dân xóm Phúc Dùng lợp lại mái nhà, dọn dẹp hoa màu.
Cơ quan khí tượng cho biết, từ đêm 7-5 đến ngày 8-5, tại miền Bắc và khu vực “chảo lửa” Bắc Trung bộ tiếp tục xuất hiện nhiều đợt mưa to trên diện rộng, kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Đến chiều 8-5, tại Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc vẫn có mưa, thời tiết xấu, trời nhiều mây.
Cập nhật đến 17 giờ 30 chiều 8-5 từ Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, nhiều nơi đã có mưa to đến mưa rất to. Cụ thể, tại Tuyên Quang mưa 122-155mm; tại Thái Nguyên mưa 128-132mm (nhiều nơi ngập lụt); Thái Bình mưa 118mm; Hà Tĩnh 108-110mm; Quảng Bình 111mm; Lâm Đồng 96mm… Những nơi khác cũng đều có mưa nhưng lượng nhỏ hơn.
Bắp đổ do mưa, dông lốc đầu mùa |
Giông lốc, mưa đá đã xuất hiện tại các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Bình… làm 1 người mất tích do chìm thuyền nan trên biển (tại Quảng Bình); 1.003 nhà tốc mái, hư hỏng.
Cụ thể, Lào Cai: 204 nhà; Hà Giang: 27 nhà; Tuyên Quang: 88 nhà; Cao Bằng: 471 nhà; Nghệ An: 165 nhà; Quảng Trị: 41 nhà; Bình Thuận: 2 nhà; Đồng Nai: 5 nhà.
Mưa đá trên diện rộng tại Cao Bằng |
Mưa gió đã làm 7.581ha lúa, hoa màu thiệt hại, 16 con gia súc chết (tại Hà Giang), 3 tàu chìm hoặc hư hỏng tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, 2 người chết và mất tích trên biển (tỉnh Quảng Trị), chưa xác định được nguyên nhân, hiện địa phương đang tổ chức tìm kiếm.
Tại TP Cần Thơ, ngày 8-5, do tác động của dòng chảy làm sạt lở bờ phải sông Cần Thơ tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền dài 50m, sâu 5m, ảnh hưởng 7 nhà.