Thủy sản giảm dần
“Nước từ sông Mê Công đổ về chậm hơn năm ngoái. Đến thời điểm này tràn đồng chưa nhiều. Người dân ở Hồng Ngự cũng bắt đầu đánh bắt thủy sản. Nhưng nguồn thủy sản giảm dần, sinh kế trong mùa nước nổi khó khăn hơn”, những nông dân ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Người dân vùng đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp - nơi giáp ranh với Campuchia thì phản ánh, nguồn nước từ sông Mê Công đổ về năm nay nhỏ và chậm hơn năm ngoái. Nhiều nơi nước đã lên đồng, người dân đặt dớn, lờ lợp… để đánh bắt các loại cá đồng mùa lũ. Những nông dân mưu sinh bằng nghề đặt lợp bắt ếch ở huyện Tịnh Biên (An Giang) cũng tỏ ra thất vọng khi con nước nhỏ, lượng ếch bắt trong ngày đã giảm phân nửa so với những năm trước đây. Còn những nông dân ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã bỏ sản xuất lúa vụ 3, mở đê để đón con nước. Nhiều người thấy con nước nhỏ nên tranh thủ xuống giống làm rẫy. Chính quyền địa phương đã phát đi cảnh báo nông dân cẩn thận, không nên xuống giống làm rẫy ở những vùng không an toàn.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, số liệu từ Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) cho thấy mực nước thấp kỷ lục do lượng mưa thấp ở phần hạ lưu vực Mê Công và do sự tích nước của các đập trong toàn lưu vực, trong đó có sự tích nước quan trọng ở đập Nouzhadu (Trung Quốc). Trong tuần qua cũng có hai cơn bão trong vùng hạ lưu vực, làm cho mực nước các hồ chứa tăng đáng kể. Các trận mưa tuần qua đã làm tăng mực nước hồ Tonle Sap ở Campuchia một ít, nhưng vẫn còn thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 2m.
Trong khi đó, tại Cần Thơ, dù muộn hơn năm ngoái nhưng triều cường cũng bắt đầu dâng làm ngập một số tuyến đường khu dân cư ven sông Hậu và sông Cần Thơ. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ đã cảnh báo, triều cường trên sông Hậu và các sông, rạch thuộc địa bàn lên cao trong đợt đầu tháng 9 âm lịch. Dự báo trong những ngày tới, mực nước đỉnh triều trên các sông, rạch sẽ lên nhanh và kết hợp mưa lớn nên có khả năng đạt mức từ 1,95 - 2m (xấp xỉ mức báo động III).
Chủ động thích nghi vùng giáp ranh mặn ngọt
Trong tương lai, mùa nước nổi ở ĐBSCL sẽ về chậm hơn 1 - 2 tháng so với trước đây, mực nước sẽ cực thấp. Nguyên nhân chính là do các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công cùng tích nước đầu mùa mưa. Về nguyên lý, các đập thủy điện không tự gây ra tình hình khô hạn, nhưng có thể làm chậm thời gian của dòng chảy. Trong những năm có đủ lượng mưa thì các đập thủy điện Mê Công ít ảnh hưởng đến lượng nước và thời gian nước chảy về ĐBSCL. Còn trong những năm thiếu nước thì các đập sẽ tích nước trong hồ chứa đủ cho mình trước, rồi mới xả ra phát điện. Đập trên tích nước thì đập kế tiếp bên dưới phải đóng đập, chờ đến khi đập trên xả thì đập dưới mới có nước để tích và đập kế tiếp phải chờ. Như vậy, nước đi qua một chuỗi đập sẽ rất lâu và sẽ gây tình trạng mực nước thấp ở phía hạ lưu.
“Vì sự có mặt của các đập thủy điện Mê Công, tác động của một năm khô hạn nào đó có thể kéo dài đến đầu mùa mưa năm sau. Đầu mùa mưa năm nay, các đập đã giữ lại phần lớn lượng mưa làm cho khởi đầu của mùa lũ 2021 thấp so với tự nhiên. Như vậy, đối với ĐBSCL trong đa số các năm trong tương lai, trừ khi có lượng mưa lớn đầu mùa, nếu không thì mùa lũ về sẽ luôn bị chậm bởi các đập thủy điện hứng hết các cơn mưa đầu mùa…”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhận định.
Thực tế cho thấy, thời gian lũ đến và mực nước lũ cao hay thấp ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Với tình hình mùa lũ thấp liên tục trong nhiều năm qua, người dân sinh sống bằng đánh bắt thủy sản ở vùng lũ gặp khó khăn. “Đối với vùng ven biển, người dân và chính quyền địa phương nên quan sát đỉnh lũ vào tháng 10 để dự báo tình hình hạn mặn mùa khô năm sau. Trong những năm lũ thấp thì hạn mặn sẽ gay gắt, do đó cần tính toán dịch chuyển thời vụ để né mặn. Về lâu dài, vùng giao thoa mặn - ngọt nên chuyển đổi theo phân vùng quy hoạch nhằm thích ứng với thực tế của lũ thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu đang được các địa phương triển khai thực hiện”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện đề xuất.