Lũ lụt lịch sử 40 năm ở Hà Giang, Cao Bằng

Theo các chuyên gia khí tượng, trận lũ ở tỉnh Hà Giang hôm nay (10-6) là lịch sử 40 năm qua ở địa phương này. Chính quyền địa phương cho biết, ít nhất 3 nạn nhân thiệt mạng, giao thông tê liệt nhiều điểm, chưa có báo cáo cuối cùng về mức độ thiệt hại.

IMG_9808.jpeg
Nước lũ sông Lô tràn vào trung tâm TP Hà Giang ngày 10-6

Từ đêm 9-6 đến ngày 10-6, mưa như trút trên thượng nguồn các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng… khiến nước sông Lô, sông Gâm dâng cao. Cơ quan khí tượng cho biết, tại huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã có mưa 318mm. Cung đường từ trung tâm huyện huyện Mèo Vạc xuống sông Nho Quế và cung đường đi vào các xã biên giới: Thượng Phùng, Sín Cái, Sơn Vĩ… bị lũ cày xới tan hoang, hàng trăm xe cộ mắc kẹt. Đồng thời, hàng loạt khu dân cư, đường sá nằm hai bên bờ sông Lô tại TP Hà Giang chìm trong biển nước do lũ sông Lô dâng lên vượt báo động 3 gần 1m. Cung đường từ TP Hà Giang đi lên các huyện Đồng Văn và Mèo Vạc cũng bị tê liệt do đá núi sạt lở, nước ngập cục bộ. Nhiều điểm ngập, khách du lịch phải thuê mướn người dân bản địa khiêng xe máy qua dòng nước xiết.

Từ đêm 9-6 đến chiều 10-6, 3 xã biên giới Thượng Phùng, Xín Cái, Sơn Vĩ… của huyện Mèo Vạc bị chia cắt hoàn toàn. Cơ quan chức năng chưa thống kê được lượng khách du lịch bị mắc kẹt. Công an huyện Mèo Vạc đã điều động lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng xe cộ trên Quốc lộ 4C và đặt biển cảnh báo, hạn chế khách du lịch di chuyển xuống cung đường sông Nho Quế.

IMG_9786.jpeg
Cung đường từ QL 4C xuống sông Nho Quế

Các chuyên gia khí tượng cho biết, đây là trận lũ lụt lịch sử trong 40 năm trở lại đây ở tỉnh Hà Giang. Mưa liên tục đã khiến nhiều điểm dân cư trên địa bàn TP Hà Giang như: đường Minh Khai, Lý Tự Trọng, khu vực cầu Trắng… ngập sâu 1m. Nhiều người dân ở phường Nguyễn Trãi (TP Hà Giang) thông tin với PV Báo SGGPO, đến chiều 10-6, nước sông Lô vẫn chảy băng băng, ngàu đỏ. Nhiều ngôi nhà ngập lưng nước. Nhiều gia đình ở ven sông không kịp sơ tán đồ đạc, tài sản.

IMG_9799.jpeg
Nước sông Lô đỏ ngàu
IMG_9809.jpeg
TP Hà Giang trong trận ngập lịch sử

Cập nhật số liệu báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, có ít nhất 2 người bị lũ cuốn trôi, thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân và đường sá tại địa phương. 2 người bị lũ cuốn trôi là anh Lý Chàn Họ, sinh năm 1997 và con là Lý Hưng Thịnh, sinh năm 2021, trú tại thôn Tân Thượng, xã Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì) khi đang trên đường đi thăm người thân về nhà. Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể của 2 nạn nhân này.

UBND TP Hà Giang kiểm kê sơ bộ có 25 điểm bị ngập tại các tuyến đường ở các phường: Minh Khai, Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung, Ngọc Hà, các xã Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ... Nước lên nhanh cũng khiến 50 ô tô và 70 xe máy của người dân chìm trong biển nước.

IMG_9812.jpeg
Nhà cửa ở TP Hà Giang ngập sau trận mưa kéo dài 14 tiếng

Còn theo UBND huyện Vị Xuyên (Hà Giang), có 2 cầu treo tại xã Thuận Hòa và Thanh Thủy bị lũ cuốn trôi. Trên cung đường đi các huyện Bắc Mê và Hoàng Su Phì xảy ra hàng chục điểm sạt lở.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang, cho biết: “Mưa kéo dài suốt 14 tiếng đồng hồ. Lượng mưa đo tại xã Thượng Sơn ở huyện Vị Xuyên là 320mm, tại xã Tân Lập ở huyện Bắc Quang là 239mm, TP Hà Giang trên 120mm”.

Đến chiều 10-6, Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang báo cáo, tổng số người đã thiệt mạng do mưa lũ là 3 người (ngoài 2 nạn nhân ở huyện Hoàng Su Phì còn có 1 nạn nhân ở huyện Quản Bạ là chị Lò Thị Cho, sinh năm 1982, trú tại thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, do taluy dương bị lở xuống vùi lấp). Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang cho biết, riêng tại TP Hà Giang, số điểm bị ngập là 39 điểm với 350 ngôi nhà chìm trong nước; ngoài ra một số ngôi nhà khác ở các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì… bị sạt lở, hư hỏng. Hạ tầng giao thông cần 2-3 ngày mới có thể khắc phục.

Sáng 10-6, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ban hành công văn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang đề nghị triển khai ngay nhiệm vụ ứng phó mưa và nước lũ trên sông Lô.

Đến trưa 10-6, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai ban hành thêm công điện gửi tỉnh Hà Giang cùng các bộ có liên quan đề nghị triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát, khơi thông dòng chảy; hướng dẫn giao thông tại các cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu các hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông đến nơi an toàn.

Theo thông tin của PV Báo SGGPO, tại các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai... cũng có mưa lớn hoặc nước lũ từ thượng nguồn các sông đổ về khiến nhiều khu dân cư ven các sông bị lụt nặng. Nhiều khu dân cư ở thị trấn Pác Miầu (Bảo Lâm - Cao Bằng) chìm trong biển nước do nước sông Gâm lên cao. Chợ trâu bò ở thị trấn Pác Miầu phải tạm dừng do nước tràn vào.

IMG_9805.jpeg
Sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập của sông Gâm ở huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) ngày 10-6

Trên địa bàn thị xã Sa Pa (Lào Cai) có mưa to nhiều ngày nên gây sạt lở cục bộ trên Quốc lộ 4D qua tổ 1, phường Ô Quý Hồ (đoạn qua ngã ba cáp treo Fansipan giáp với đường tránh Quốc lộ 4D). Còn tại các thôn Thiên Bửu, Cầu Gỗ ở Thượng Bằng La (Văn Chấn - Yên Bái), một ngôi nhà bị vùi lấp hoàn toàn.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, mưa ở miền núi phía Bắc còn kéo dài sang ngày 11-6 rồi toàn miền Bắc chuyển sang chuỗi ngày nắng nóng đến ngày 14-6.

Trái ngược tình trạng mưa lũ ở miền núi phía Bắc, trong ngày 10-6, khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đã có nắng nóng cục bộ, khởi động chuỗi ngày nắng nóng gay gắt trong nhiều ngày tới. Nhiệt độ cao nhất sẽ lên 37-38 độ C.

Tin cùng chuyên mục