Từ năm 2014 đến năm 2019, Bệnh viện Trung ương Huế có 83 trường hợp được chẩn đoán mắc Whitmore và 9 tháng đầu năm 9-2020 có 11 bệnh nhân. Nhưng từ tháng 10-2020 đến nay, đã có đến 28 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. Bệnh Whitmore do trực khuẩn gram âm Burkholderia Pseudomallei gây ra.
Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo và các vùng nước tù đọng lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Hầu hết người mắc bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không rõ ràng, tổn thương đa cơ quan: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tản mạn, nhiễm khuẩn khu trú như áp xe cơ, áp xe phần mềm, áp xe gan, viêm hạch, viêm xương... Chẩn đoán dễ bỏ sót và nhầm với bệnh khác, đặc biệt là lao do tính chất tổn thương giống lao.
Bệnh Whitmore có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Song, những trường hợp tử vong (chiếm khoảng 40% người mắc bệnh) thường đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng. “Để phòng bệnh Whitmore, người dân hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn ở vùng lũ, đặc biệt những nơi ô nhiễm nặng trước lũ. Đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, nước lụt cần sử dụng giày, dép và găng tay”, bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương khuyến cáo.