Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước cao nhất ngày 22-8 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,73m (trên BĐ1 là 0,23m); trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,23m (trên BĐ1 là 0,23m). Do ảnh hưởng lũ thượng nguồn về, kết hợp với triều cường, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên. Dự báo đến ngày 26-8, mực nước cao nhất tại Tân Châu lên mức 4,0m (ở mức BĐ2); tại Châu Đốc lên mức 3,5m (ở mức BĐ2); các trạm hạ lưu lên mức từ báo động cấp 1 đến báo động cấp 2.
Chiều 22-8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh An Giang cho biết do nước lũ từ thượng nguồn đang về nhiều, gây ngập khoảng 160ha lúa hè thu đang trong giai đoạn chín ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, nguy cơ bị thiệt hại là rất lớn. Bên cạnh đó, còn gây ngập khoảng 500ha lúa thu đông sớm nằm ngoài đê bao ở huyện Tri Tôn. Đây là những diện tích được quy hoạch trồng lúa 2 vụ/năm nhưng người dân tranh thủ sản xuất thêm vụ thu đông. Do đó, khi nước lũ về nhiều đã gây ngập khiến nông dân và ngành nông nghiệp địa phương vất vả ứng phó. Nếu vài ngày tới nước lũ tiếp tục lên thì phần lớn diện tích lúa này có nguy cơ thiệt hại rất lớn do còn xa ngày thu hoạch.
Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh An Giang, kế hoạch sản xuất lúa thu đông mùa lũ năm 2018 hơn 167.000ha; hiện nông dân các huyện đang gieo sạ và thường xuyên theo dõi diễn biến lũ để ứng phó, bảo vệ lúa.
Tại Đồng Tháp, nước lũ cũng làm ngập hàng chục ha hoa màu ngoài đê của người dân. Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết đang tăng cường công tác phòng chống lũ, gia cố đê bao bảo vệ hơn 20.000ha vườn cây ăn trái ở các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh…
Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Long An cho biết, hiện nước lũ ở đầu nguồn tiếp tục lên và tỉnh triển khai nhiều giải pháp ứng phó, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Hơn 48.500ha lúa thu đông theo kế hoạch của năm nay thì nông dân xuống giống hơn 50%. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương vận động người dân đề phòng lũ dâng cao, vì vậy không chủ trương sản xuất lúa nằm ngoài đê nhằm tránh thiệt hại…