Một số người chết và mất tích
Chiều 7-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, đường về xã Xuân Hóa, đoạn qua ngầm Bến Sú ngập sâu khiến người và phương tiện không thể qua lại. Lũ trên sông Rào Nan lên nhanh khiến xã Minh Hóa ngập, toàn xã cô lập. Các tuyến đường vào bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của đồng bào Rục (xã Thượng Hóa); các bản vùng Lòm (xã Trọng Hóa); bản Ka Ai (xã Dân Hóa)… bị chia cắt nhiều đoạn bởi nước từ khe suối dâng cao, chảy xiết. Các trường học trên địa bàn huyện đã cho học sinh nghỉ học từ chiều 7-10 để bảo đảm an toàn.
Ảnh: MINH PHONG
Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) Đặng Trọng Vân cho biết, khoảng 11 giờ cùng ngày, ông Nguyễn Văn Nam (35 tuổi) và ông Lê Quang Hùng (28 tuổi, cùng trú thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa) chèo đò qua con suối gần hồ thủy điện Rào Quán do mưa lớn, không may đò bị lật khiến 2 ông mất tích. Hiện lực lượng chức năng và người dân đang tổ chức tìm kiếm, tuy nhiên do mưa lớn cùng nước lũ đổ về nhanh nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng cứu hộ huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai vẫn chưa tìm thấy 2 cha con bị nước cuốn mất tích vào tối ngày 6-10. Đó là anh Nguyễn Văn Trường (37 tuổi) và con ruột là Nguyễn Bảo Long (7 tuổi, xã Ia Púch) khi ngang qua đập tràn (xã Ia Púch, huyện Chư Prông) thì bị té ngã. Dòng nước chảy xiết đã cuốn 2 cha con anh xuống suối Ia Púch. Lực lượng chức năng đã huy động hơn 150 người tham gia tìm kiếm, cứu hộ nhưng do trời mưa lớn, nước dâng cao nên vẫn chưa tìm được.
Tương tự, lực lượng chức năng huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vẫn đang nỗ lực tìm kiếm anh P.T.L (27 tuổi, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) bị nước lũ cuốn trôi vào khoảng 21 giờ 30 phút, ngày 6-10 tại xã Ia Lốp.
Cùng ngày 7-10, lũ trên một số sông ở Quảng Nam lên mức báo động 1, báo động 2 và tiếp tục lên; nhiều vùng trũng thấp bị ngập cục bộ, giao thông đi lại khó khăn. Mưa lớn cũng gây ngập nhiều tuyến đường tại TP Tam Kỳ và Hội An. Nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cấp thiết thực hiện sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn khi có các tình huống xấu xảy ra.
Còn tại Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết, do biển động mạnh nên các tàu vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại đã dừng hoạt động từ ngày 7-10 cho đến khi tình hình thời tiết ổn định trở lại. Theo Chủ tịch UBND xã An Vinh (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) Đinh Văn Cung, mưa lớn đã làm ngập và sạt lở nặng nhiều tuyến đường từ xã An Trung đi An Vinh. Hiện, toàn bộ 2.030 nhân khẩu tại xã An Vinh bị cô lập. Do đường bị sạt lở nặng nên nhiều giáo viên bị mắc kẹt, không thể vào xã An Vinh để dạy học.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, khoảng 22 giờ ngày 6-10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, tàu cá BĐ 96365 TS do ông Võ Văn Như (35 tuổi, ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng, đang đánh bắt cách bờ biển huyện Phù Cát (Bình Định) khoảng 24 hải lý thì bị ngập nước, không khắc phục được. Sau đó, tàu BĐ 96365 TS chìm dần, 13 ngư dân phải rời tàu xuống thuyền thúng, trôi lênh đênh nhiều giờ trên biển và được 2 tàu cá cứu vớt.
Còn tại Thừa Thiên - Huế, lúc 16 giờ ngày 7-10, Công ty CP Thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết xả lũ hồ Hương Điền với lưu lượng tăng dần. Lưu lượng xả lũ tránh đột biến khoảng từ 100-200m³/giây và phát tối đa qua tuabin 200m³/giây. Cùng ngày, Công ty CP Thủy điện miền Trung có thông báo gửi các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như tỉnh Sê Kông (Lào) về việc xả điều tiết hồ chứa thủy điện A Lưới. Dự kiến sẽ xả lũ vào 8 giờ ngày 9-10, lưu lượng xả dự kiến 100-1.000m³/giây.
Khẩn cấp chống sạt lở
Cùng với việc gấp rút thi công hoàn thiện các dự án kè biển đang dở dang, chính quyền và người dân miền Trung còn dốc sức gia cố bờ biển sạt lở sau bão số 5.
Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, khối lượng công việc tại công trình kè chống sạt lở biển Vinh Hải đạt hơn 90%.
Hiện các đơn vị thi công đang gia cố mái hạ lưu và chuẩn bị đổ bê tông đỉnh kè. Trong khi, dự án kè Phú Thuận giai đoạn 2 do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư với kinh phí 20 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa to, gió lớn kèm theo sóng biển dâng cao tiếp tục làm cho tuyến bờ kè Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) sụt lún, có đoạn dài 200m. Những bao tải địa làm kè mềm tại khu vực này cũng bị sóng lớn đánh rách và cuốn trôi sang vị trí khác. Dãy nhà hàng, khách sạn khu nghỉ dưỡng dọc biển này bị triều cường đánh sập tường rào, gây xói lở hàm ếch rất nguy hiểm. Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Thế Hùng cho biết, địa phương liên tục đặt trong tình trạng khẩn cấp, dù kinh phí đầu tư để chống sạt lở đã đổ ra quá nhiều nhưng vẫn không hiệu quả. Các biện pháp làm đê chắn sóng, tạo bãi, kè bờ đã triển khai nhưng nhiều đoạn kè bị sóng đánh sụp sâu vào đất liền.
Trước tình trạng này, cuối tháng 9-2020, UBND tỉnh Quảng Nam đã phân bổ 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh để triển khai dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại.
Xâm thực và sạt bờ biển đang xảy ra một cách dữ dội dọc ven biển từ tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, các địa phương mới chỉ có thể giải quyết những điểm xung yếu, nguy cấp và có vốn đầu tư ít, còn những công trình có vốn đầu tư lớn thì phải xin kinh phí từ Trung ương. Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trước mắt, các địa phương đang khẩn trương gia cố để hạn chế sạt lở, đồng thời sẵn sàng phương án di dời dân cư nằm trong vùng nguy hiểm khi có mưa bão. Tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 250 tỷ đồng xử lý 2,77km kè biển.