Thị trường “đầy ứ”
Thực tế hiện nay, người dùng internet hiếm khi dùng một ứng dụng nhắn tin mà dùng nhiều ứng dụng cùng lúc. Thân thuộc nhất là Messenger vì người dùng Facebook như đã được mặc định sẵn sẽ dùng Messenger. Có tài khoản Facebook, người dùng sử dụng Messenger để nhắn tin, gọi điện âm thanh hoặc video, chia sẻ hình ảnh, tập tin, biểu tượng cảm xúc. Ngoài ra, ứng dụng còn cho phép tùy chỉnh giao diện chủ đề, thêm hiệu ứng cho văn bản.
Zalo trở thành dịch vụ OTT nổi bật tại Việt Nam, được phát triển bởi Công ty cổ phần VNG. Zalo với một số điểm mạnh như: tốc độ gửi tin nhắn nhanh, nhắn tin với chất lượng âm thanh nén rõ ràng, gửi file dung lượng lớn. Hay một cái tên khác cũng đang được nhiều người dùng Việt ưa dùng là Telegram. Telegram có tính năng nhắn tin trò chuyện nhanh chóng với mã hóa client - server cho các cuộc trò chuyện tiêu biểu và đã nhanh chóng được người dùng trong nước sử dụng. Còn WhatsApp được nhiều người Việt biết đến nhưng chủ yếu sử dụng trong doanh nghiệp, liên lạc với các đối tác quốc tế nhiều hơn là nhắn tin trong nước…
Theo Hội Truyền thông số Việt Nam, các ứng dụng chat phát triển rầm rộ trong thời gian qua không chỉ vì sự tiện dụng, thiết thực mà vì nước ta có tốc độ phát triển internet rất nhanh. Tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam, trong đó, có 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số; tỷ lệ tiếp cận internet đạt 79,1%.
Cơ hội nào cho Lotus chat?
Sự xuất hiện của Lotus chat - một ứng dụng chat “made in Việt Nam”, mang đến cho người dùng thêm một lựa chọn. Ứng dụng tích hợp rất nhiều tính năng từ cơ bản đến nâng cao, giao diện tối giản, dễ sử dụng và hứa hẹn độ bảo mật cao, sử dụng hoàn toàn miễn phí. Tính năng chat ẩn danh cũng là thứ nhiều người muốn sử dụng và Lotus chat còn cho phép dùng chung 1 tài khoản cho nhiều thiết bị khác nhau, điều mà Zalo không cho phép. Bên cạnh đó, tính năng nổi bật của Lotus chat là cho phép người dùng chọn các đoạn tin nhắn trong đoạn hội thoại để tạo ra những bài viết có nội dung tương tự nội dung tin nhắn đã được chọn và người dùng có thể lựa chọn nhiều hình thức khác nhau như: tin nhắn văn bản, video, nhãn dán, đường dẫn…
“Với ứng dụng chat trên di động, người dùng cài đặt và sử dụng hàng ngày được xem là một trong những chỉ số đánh giá ứng dụng. Khi nhìn quanh bạn bè, gia đình, thậm chí trong công ty, tôi chưa thấy ai dùng Lotus chat”, chị Uyên Thanh, giám đốc nhân sự của một công ty dược ở quận 3, TPHCM, chia sẻ. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam (VCCorp), hiện chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính Lotus chat đang có khoảng 200.000 người sử dụng và phía nhà phát triển ứng dụng này kỳ vọng sẽ có 15 triệu người dùng trong 3 năm tới.
Các ứng dụng chat trên di động đã và đang “bén rễ” vào người dùng internet tại Việt Nam. Theo Báo cáo người tiêu dùng số (The Connected Consumer), quý 1-2024, Zalo tiếp tục là nền tảng tin nhắn phổ biến nhất tại Việt Nam với tỷ lệ sử dụng đến 82%, vượt qua Facebook chỉ chiếm 61%. Zalo cũng “vượt xa” Messenger đến 2,6 lần về mức độ yêu thích… càng đặt ra nhiều thách thức cho Lotus chat.
Phó giám đốc một công ty công nghệ ở Hà Nội chia sẻ: “Không khó để xây dựng, ra mắt ứng dụng. Vấn đề ở đây là việc thu hút người dùng đến với một ứng dụng mới không dễ, nó đòi hỏi một chiến lược dài hạn. Chưa kể việc sử dụng hay làm việc trên một ứng dụng chat mới, người dùng cần thời gian làm quen thao tác và từ đó tạo ra sự hứng thú, thấy rõ sự tiện lợi của nó… là một quá trình mà nhà phát triển ứng dụng phải bỏ ra rất nhiều tiền để hướng dẫn người dùng.
Cho nên với ứng dụng Lotus chat, ban đầu người dùng có thể cài app vì ủng hộ sản phẩm Việt Nam, nhưng quá trình sau đó, nó cần xây dựng được cộng đồng người dùng rộng lớn, phát huy những tính năng hữu ích mà ứng dụng khác không có… thì mới mong có chỗ đứng trên thị trường”.