Lớp học chỉ vọn vẹn 2 phòng nhỏ, im lặng, không tiếng trống báo hiệu, không tiếng vui chơi nô đùa; vậy nhưng đây là nơi xóa mù chữ cho những học trò nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt.
Những em nhỏ thiệt thòi
Cách đây 20 năm, khu vực chân cầu Tham Lương và một phần vùng ven quận Tân Bình giáp ranh với quận Tân Phú là xóm lao động nghèo, có nhiều em nhỏ thất học, dính vào tệ nạn xã hội. Do vậy, năm 1996, chính quyền địa phương đã thành lập lớp học phổ cập xóa mù chữ, ban đầu lớp gồm 100 em nhỏ. Vợ chồng cô Võ Thị Bích Vân (59 tuổi) và thầy Nguyễn Tất Hữu (59 tuổi) đã tự nguyện nhận dạy học tại đây, không có phụ cấp tiền lương suốt từ đó đến nay.
Phần lớn em nhỏ trong lớp có những hoàn cảnh rất đặc biệt, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, phải sống nương nhờ vào bà con hoặc ông bà đã già yếu. Bước ra khỏi cánh cửa lớp học, nhiều em phải kiếm sống bằng việc đi bán vé số, nhặt ve chai, bưng bê phục vụ quán ăn. Em G.B. (14 tuổi) tâm sự: “Ba mẹ em đang trong thời gian thi hành án, em sống với bà ngoại. Từ lúc được đi học đến nay em rất vui mừng vì được biết chữ, được gặp gỡ nhiều bạn bè. Ngoài giờ đi học em còn phụ giúp bà ngoại bán cá ở chợ, hiện tại mong muốn duy nhất của em là gia đình được đoàn tụ”. Em H.B. (11 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cha mẹ bỏ đi từ khi em còn bé, em ở với ông bà nội, nhưng rồi ông bà cũng lần lượt qua đời, em được một người bà con nhận nuôi dưỡng. Em hồn nhiên chia sẻ: “Mẹ em đã lấy chồng mới và đã có con riêng, từ đó đến nay em mới gặp mẹ được một lần, em rất nhớ mẹ”.
Tấm lòng người thầy
Trải qua nhiều biến cố, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, nhiều lần chuyển địa điểm, nhưng với sự cống hiến tận tụy của cô Vân và thầy Hữu, lớp học vẫn được duy trì đều đặn suốt nhiều năm qua. Hiện tại, lớp học có 30 em đang theo học lớp xóa mù chữ phổ cập từ lớp 1 đến lớp 5. Khối lớp 1, 2, 3 do thầy Hữu dạy, còn khối lớp 4 và 5 do cô Vân dạy.
Thầy Hữu cho biết: “Lâu nay, cũng có nhiều thầy cô ở các nơi khác tình nguyện đến dạy, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi cũng lần lượt rời lớp học, vì phải lo mưu sinh. Các em học sinh ở đây vốn thiệt thòi nhưng rất ngoan hiền và lễ phép, nên tôi vẫn cố gắng dạy chữ cho các em, hy vọng một tương lai tốt hơn cho các em”. Cô Vân chia sẻ: “Tôi rất ái ngại cho các em; nếu các em thất học sẽ rất dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội. Do vậy, nhiều năm qua tôi cố gắng làm mọi việc, như đi xin tài trợ, xin quần áo, sách vở, gạo để có thể tiếp tục duy trì lớp học. Hiện tại, mong ước của tôi là các em đều được đóng bảo hiểm y tế, bởi các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn, không nơi nương tựa, những lúc ốm đau không biết lấy tiền đâu để chữa trị”.
Thương các em thiệt thòi, lo các em thất học, nên bao năm qua cô Vân và thầy Hữu vẫn cố gắng bám trụ, tận tình quan tâm, kịp thời giúp đỡ các em những lúc khó khăn, kể cả lúc các em đã học lên cao. Tính đến nay đã có hàng trăm em trưởng thành, khôn lớn từ lớp học tình thương này, trong đó có nhiều em đã vượt qua hoàn cảnh, phấn đấu học tới chương trình trung cấp nghề, cao đẳng, đại học, và hiện đã có việc làm, thu nhập ổn định.