Lớp học 1 đô la
Cách trung tâm TP Đà Nẵng 16km về phía Tây, dừng chân tại “lớp học 1 đô” (thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), một giáo viên đang mô tả tiếng Anh bằng hành động cho 12 em nhỏ. Nụ cười hồn nhiên hiện rõ trên khuôn mặt ngây ngô của những đứa trẻ. Đây là lớp học thứ hai của dự án “Tiếng Anh một đô - Mang tiếng Anh về làng”.
“Thành viên chủ yếu là học sinh lớp 2 và lớp 3, tuy nhiên lớp vẫn nhận những bạn nhỏ tuổi và thích tiếng Anh”- Cô Phan Thị Bích Thảo, 23 tuổi, giáo viên trường tiểu học số 2 Hòa Nhơn, thành viên dự án tại xã Hòa Nhơn chia sẻ.
Với 2 buổi/tuần, cô Bích Thảo phổ cập tiếng Anh cho các em ở xã Hòa Nhơn, “Chương trình tiếng Anh ở trường khá hạn chế về mặt thời gian. Các em ở vùng nông thôn không có điều kiện tiếp cận sớm như trẻ em thành phố. Vì vậy khi bắt đầu học, các em bị ngợp, không biết học như thế nào sao cho hợp lý.”- Cô Phan Thị Bích Thảo, cho hay.
Cùng với cô Bích Thảo, các thành viên dự án sáng tạo giáo trình phù hợp với đặc trưng vùng miền, tập trung chủ yếu vào mạch cảm xúc của các em nhỏ. Tiếp cận theo hướng vừa chơi vừa học, các thành viên giúp đỡ các em quen thuộc với cách học tiếng Anh, từ đó các em không bối rối khi tiếp nhận tiếng Anh ở trường. “Tạo sự hứng khởi với 2 bài hát, ôn tập bài cũ bằng trò chơi. Khi mạch cảm xúc ở mức cao nhất, các em sẽ học bài mới và các hoạt động tương tác tiếp theo ghi nhớ đến khi tan học”- cô Phan Thị Bích Thảo cho biết.
Được biết, bạn Nguyễn Thanh Long (22 tuổi, sinh viên ngành công nghệ phần mềm Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) là người khởi xướng dự án. Bạn Thanh Long nhớ lại, ngày đầu tiên tại trường đại học chuyên ngành không liên quan nhiều đến tiếng Anh,nhưng Long hoảng sợ vì mình kém về kỹ năng nghe và nói, mặc dù biết ngữ pháp.
Thanh Long, Bích Thảo và các thành viên nhận thấy tầm quan trọng của tiếng Anh nên mong muốn trẻ em nông thôn có điều kiện tiếp cận với tiếng Anh hơn. Long đã kêu gọi các bạn cùng chí hướng, tinh thần cộng đồng thành lập lớp học “tiếng Anh một đô”.
Đề cập đến cái tên của dự án, bạn Nguyễn Thanh Long chia sẻ: “Với một đô, một bạn trẻ ở thành phố không có nhiều sự lựa chọn. Với trẻ em nông thôn, số tiền đó có thể thay đổi tương lai của mình”. Một đô la là số tiền tối thiểu mà các nhà hảo tâm hỗ trợ cho dự án. Số tiền quyên góp sử dụng để trang bị vật chất cần thiết cho lớp học. Hiện tại dự án đã phát triển ở xã Hòa Khương và xã Hòa Nhơn và tiếp tục lan rộng đến các xã còn lại của huyện Hòa Vang.
Khai thác tiềm năng du lịch địa phương
Nhắc đến giáo dục, mọi người đều nghĩ đến sách vở và trường học. Tuy nhiên, môi trường giao tiếp hạn chế vì học sinh khó được trải nghiệm đặc biệt với môn tiếng Anh. Thậm chí, những người dù học và thi đạt điểm tiếng Anh khá cao, nhưng thực tế vì không có môi trường cọ xát luyện tập nên lúc giao tiếp với người nước ngoài phần lớn lảng tránh vì ngại hoặc cảm thấy xấu hổ vì sợ nói sai.
Từ thực trạng đó, chị Phan Thị Minh Thương 31 tuổi, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ SuperMinds (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) sáng lập nên mô hình ME Educational Tourism. Lấy du lịch là giải pháp để tận dụng nguồn lực địa phương, đây là mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng, dựa vào cộng đồng, giúp cộng đồng phát triển sinh kế, xóa nhòa khoảng cách mức độ tiếp cận tri thức giữa thành thị và nông thôn.
Theo số liệu Sở Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2018, có 2,3 triệu lượt khách quốc tế đến với Huế. Trong đó, chỉ có 300 ngàn khách có hoạt động trải nghiệm tại các vùng nông thôn. Theo chị Thương, tại huyện Quảng Điền - nơi chị sinh sống, có 8 công ty du lịch. Họ đã tổ chức các tour về vùng nông thôn. Nhưng các tour chỉ dừng lại ở mức độ là ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực địa phương.
Nhận thấy vùng nông thôn là môi trường đầy tiềm năng khai thác, du khách nước ngoài khám phá tìm hiểu những đặc sắc ở nông thôn thông qua các bạn trẻ như: các làng nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh,... Các bạn nhỏ ở vùng nông thôn có thể tiếp cận học hỏi tri thức thế giới. Tiếng Anh là phương tiện cốt lõi để kết nối mọi người. “Từ trước đến nay, chúng ta chỉ học tiếng Anh để thi lấy điểm trên ghế nhà trường mà quên đi bản chất của học tiếng Anh là để giao tiếp và có thể sử dụng như một ngôn ngữ thứ hai.”- chị Phan Thị Minh Thương chia sẻ.
Hiện tại, mô hình có sự kết nối với 8 làng nghề truyền thống, trung tâm di tích cố đô Huế, trường học và đoàn thanh niên. Tuy nhiên, mô hình vẫn chưa có nhiều sự liên kết từ các đơn vị tổ chức du lịch nhằm kêu gọi người nước ngoài có thể biết và tìm đến những những vùng quê.
Được ra mắt vào ngày 16-9, Demo day do Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn tổ chức, dự án ME Educational Tourism được nhiều sự đón nhận của các nhà đầu tư.
Ông Lý Đình Quân - Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Đà Nẵng) nhìn nhận, bắt đầu ươm tạo là một trung tâm tiếng Anh nhưng sau ươm tạo đó là mô hình sáng tạo, tạo nên sức tác động rất lớn, mang tri thức về nông thôn, kết nối du lịch với giáo dục. Đây cũng là mô hình phù hợp với chương trình “nông thôn mới” do Trung ương phát động.