Ông tự nguyện mở nhiều lớp dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo và đón nhận nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn về nuôi dưỡng. Từ lớp học của ông, nhiều em đã trưởng thành, trở thành những cán bộ, kỹ sư giỏi.
Một đời cống hiến
Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà nhỏ bên dòng sông Ngàn Trươi, cách đường Hồ Chí Minh khoảng 2km, Đại tá, cựu chiến binh (CCB) Phan Chí Nhượng cho biết, tháng 3-1959, cũng như bao thế hệ thanh niên yêu nước, ông tình nguyện tham gia vào lực lượng Công an vũ trang Hà Tĩnh (nay là Bộ đội Biên phòng). Đến năm 1962, ông đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 và vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó, ông về làm việc tại Bộ Tư lệnh Công an vũ trang ở Hà Nội và nhiều lần vào công tác tại chiến trường Quảng Trị.
Đại tá, cựu chiến binh Phan Chí Nhượng
Năm 1972, ông được phân công cùng một số đồng chí sang Lào tham gia bảo vệ Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào lần thứ 2 tại Sầm Nưa... Sau khi về nước, ông làm tổ phó tổ rà phá thủy lôi ở cửa sông, cửa lạch thuộc các tỉnh phía Bắc. Đất nước hòa bình, ông tiếp tục được đào tạo trở thành giảng viên, được phong quân hàm đại tá, giữ chức vụ Phó khoa rồi Trưởng khoa Nghiệp vụ biên phòng, thuộc Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Năm 1996, ông nghỉ hưu trở về địa phương và lần lượt được nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn, Chủ tịch Hội CCB xã Hương Thọ, Chủ tịch Hội CCB huyện Vũ Quang. Từ tháng 9-2009 đến nay, ông làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Vũ Quang. Dù đảm nhận cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ông Nhượng chia sẻ: “Nghỉ hưu người ta thường quan niệm là về nghỉ ngơi, nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục cống hiến sức lực, tri thức cho cộng đồng xã hội”.
Nuôi dưỡng học sinh nghèo
Sau khi về nghỉ hưu, hàng ngày ông chứng kiến cuộc sống người dân ở huyện Vũ Quang (một huyện miền núi, biên giới ở tỉnh Hà Tĩnh) còn bộn bề khó khăn, con trẻ lớn lên ít có điều kiện được chăm lo học hành đến nơi đến chốn, cái nghèo khổ vẫn cứ bám riết. Nhiều lần ông trăn trở, tự vấn với lòng mình và nhận thấy, muốn thoát khỏi nghèo khổ, muốn có cuộc sống no ấm thì chỉ có con đường lo cho con trẻ ăn học.
Năm 2003, mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng để hoàn thành tâm nguyện ấp ủ của mình, ông Nhượng đã bàn tính với vợ là bà Thái Thị Nhuần và các con quyết định cải tạo ngôi nhà gỗ, mở rộng khuôn viên sân vườn để mở lớp dạy học miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ông trực tiếp dìu dắt, giảng dạy. Khóa đầu tiên lớp học có 20 em từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Ông còn thường xuyên bố trí chỗ ăn ở miễn phí tại nhà cho 5 - 7 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc làm đó được duy trì đều đặn cho đến nay.
Lớp học miễn phí dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Đại tá, cựu chiến binh Phan Chí Nhượng
Ngoài học chữ, ông còn dạy các em về đạo đức, tác phong, cách ăn mặc, đi đứng, xưng hô… Từ lớp học này, hầu hết các em đều đạt học sinh khá giỏi, thi đậu vào các trường quân sự, công an, giao thông vận tải… Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình trong vùng đã tin tưởng đưa con em đến nhà nhờ ông giúp đỡ, cho theo học chữ.
Hiện nay, lớp học của ông Nhượng đang có 18 em từ lớp 3 đến lớp 12, trong đó có 5 em được nuôi ăn ở miễn phí tại nhà ông. Trong 18 em, đợt thi THPT Quốc gia năm 2017 đã có 6 em lớp 12 đạt kết quả cao. Trong đó, em Nguyễn Quang Sang, 18 tuổi, đạt trên 29 điểm, đăng ký vào Học viện Quân y. Sang là học sinh giỏi toàn diện của Trường THPT Vũ Quang, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên gia đình đã gửi gắm nhờ ông Nhượng đón về nhà nuôi dưỡng, cho ăn ở từ khi học lớp 5 đến nay.
Ông Nhượng chia sẻ, trong hơn 14 năm mở lớp dạy học cho học sinh nghèo, khó khăn, có những thời điểm, ông muốn buông xuôi. Công việc tại xã Hương Thọ và huyện Vũ Quang khiến khoảng thời gian rảnh rỗi để ông ở nhà dạy học dường như là không có. Ngoài ra, kinh tế gia đình ông cũng khó khăn, ông còn mẹ già và 5 người con, lại thường xuyên nuôi dưỡng thêm 5 - 7 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Suy nghĩ, đắn đo mãi, nếu bỏ lớp học giữa chừng thì các em sẽ phải làm sao, được mẹ, vợ, các con động viên, học sinh níu kéo, ông lại có thêm động lực để cố gắng duy trì lớp học.
Ông Nguyễn Văn Cúc, Chủ tịch Hội CCB xã Hương Thọ cho biết, ông Nhượng đã có nhiều đóng góp xây dựng quê hương đổi mới. Với một địa phương miền núi, biên giới khó khăn như ở Hương Thọ thì những công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương của ông Nhượng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hy vọng ông luôn mạnh khỏe để tiếp tục cống hiến, chỉ dạy, chăm sóc cho nhiều con em trưởng thành, thành người có ích cho gia đình và xã hội.