Anh Huỳnh Quang Khải (30 tuổi, ngụ phường Hiệp Thành) với nghề chính là hướng dẫn viên du lịch, sau thời gian ấp ủ ý tưởng đã đứng ra mở lớp học này vào năm 2009, đặt tên là Lớp học tình thương Ngọc Việt. Khi đó, anh Khải nhận thấy khu phố mình ở có nhiều em nhỏ hoàn cảnh khó khăn, ở quê lên TPHCM mưu sinh kiếm sống, lang thang cơ nhỡ, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ. Một số em dù đã mười mấy tuổi vẫn chưa biết mặt chữ.
Lớp dạy các em từ 18 giờ 45 đến 21 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, do vào ban ngày, những đứa trẻ ấy còn phải mưu sinh kiếm sống, phụ giúp gia đình. Toàn bộ kinh phí để duy trì lớp học như sách vở, bàn ghế, dụng cụ học tập đều do gia đình anh Khải chắt góp mua sắm. Niềm vui của anh là mỗi ngày nhìn thấy học trò đến lớp đầy đủ, dần biết đọc, biết viết, biết tính những con toán đơn giản đầu đời.
Chia sẻ về việc mình đang làm, anh Khải tâm sự: “Qua lớp học này, tôi mong giúp các em nhỏ biết đọc chữ, làm toán và biết một số kiến thức cơ bản để tự giữ an toàn cho mình khi phải bươn chải ngoài xã hội. Thời gian dài theo đuổi ước nguyện này, có lúc tôi cũng buồn và cảm thấy bất lực, khi một số em vì hoàn cảnh gia đình phải nghỉ học giữa chừng. Thương các em nên tôi thường xuyên đến tận nhà vận động gia đình cho con em tiếp tục theo học”.
Anh Khải cho biết, trước dịch Covid-19, lớp có tổng cộng 40 em trên địa bàn quận 12 theo học thường xuyên. Từ khi dịch xảy ra, lớp phải tạm nghỉ dài ngày, một số em đã bỏ lớp vì phải theo gia đình về quê; nhiều phụ huynh không hiểu được tầm quan trọng của việc học, chỉ cho con học đến biết mặt chữ, con số, rồi nghỉ đi làm. Đến nay, lớp chỉ còn 28 em, từ 8 đến 19 tuổi. Dù còn nhiều thiếu thốn về vật chất nhưng các em rất có ý thức, học hành chăm chỉ, đa số các em cả ngày lo mưu sinh vất vả nhưng đến tối vẫn đi học đầy đủ và biết vâng lời.
Ở lớp học đặc biệt này, các em nhỏ được dạy miễn phí 2 môn toán và tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5. Ngoài ra, các em còn được học về cách ứng xử, các kiến thức, kỹ năng sống... Lớp học do hai vợ chồng anh Khải và một cô giáo hưu trí tình nguyện phụ trách giảng dạy.
Em Huỳnh Chí Bảo (19 tuổi) chia sẻ: “Vì gia đình không có điều kiện nên từ nhỏ em không được tới trường như bao bạn bè khác. Biết hoàn cảnh của em, một bạn trong lớp này đã giới thiệu em tới đây cùng học. Ban ngày em đi làm công nhân may, buổi tối thì tới đây theo học lớp của thầy Khải. Được đi học, biết đọc, biết tính toán, em vui lắm, gia đình cũng rất ủng hộ, khuyên nên tranh thủ thời gian buổi tối để theo học”. Em Võ Minh Khang (13 tuổi) thì tâm tư: “Em học ở đây được 1 năm rồi, thầy Khải dạy dỗ chúng em rất ân cần, đem đến cho chúng em nhiều kiến thức bổ ích. Em chỉ ao ước sau khi học hết lớp 5, em có thể được đến trường để tiếp tục học tập lên cao hơn”.
Dồn mọi tâm huyết để duy trì lớp học, nhưng mong muốn của anh Huỳnh Quang Khải lại hết sức đơn giản: “Tôi mong sau này sẽ không có lớp học nào như thế này nữa, bởi có lớp học đồng nghĩa với việc vẫn còn có nhiều em nhỏ nghèo khó, không có điều kiện đến trường”.