Không gói gọn từng chương trong trang sách, các anh chị đứng lớp còn hướng các em trân trọng giá trị cuộc sống, chăm chút từng đồng kinh phí mà các mạnh thường quân đã âm thầm gửi gắm bao năm qua.
Có đi sẽ thành đường
Cách đây hơn 5 năm, lớp học tình thương ở khu phố 1 (phường 12, quận 10, TPHCM) đã được xúc tiến thành lập. Ông Nguyễn Công Bình, Trưởng ban điều hành khu phố, bồi hồi nhớ lại: “Khi xưa ở đây là địa phương có nhiều tệ nạn xã hội, từ đá gà, cờ bạc đến cho vay nặng lãi hoạt động công khai, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự.
Sau một thời gian dài kiên trì, chúng tôi đã cảm hóa được các đối tượng. Khu phố dần bình yên. Khi đã ổn định tình hình, anh em chúng tôi mong muốn thực hiện một mô hình giáo dục để gắn kết hơn nữa tình làng, nghĩa xóm. Tổ bảo trợ khuyến học, khuyến tài được thành lập với sự tham gia nhiệt tình của các mạnh thường quân là cán bộ hưu trí”. Trước đó, vấn đề này đã được đưa ra bàn bạc công khai tại các cuộc họp chi bộ, tổ dân phố. Nhiều người cho rằng, ban điều hành khu phố nên tạm hài lòng với công việc của mình và đừng “ôm rơm rậm bụng”!
Ông Nguyễn Quốc Ái, Bí thư Chi bộ khu phố, kể: “Nhiều người tỏ ra ái ngại vì có quá nhiều trở ngại, nhất là vấn đề kinh phí. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua. Không lo không có đường đi, có đi sẽ thành đường. Anh em trong chi bộ, ban điều hành khu phố đóng góp trước, rồi tiếp đó vận động các mạnh thường quân. Lớp học tình thương dần hình thành với ý chí quyết tâm của những người mến yêu khu phố”.
Đến, đi và quay về!
Hàng đêm, trụ sở Ban điều hành khu phố 1 trở thành nơi tập hợp các cháu. Các em đoàn viên giỏi môn nào, tham gia đứng lớp môn đó. Mấy sinh viên ở trọ trong khu phố biết tin cũng tình nguyện tham gia đứng lớp. Cháu nào học giỏi sẽ được thưởng, đó chính là động lực góp phần cho sự phát triển bền vững của lớp học mang đầy tính nhân văn này.
Tô Hải My, 24 tuổi, cho biết: “Em đến với lớp học tình thương này từ năm lớp 10. Nhờ sự kèm cặp của các anh chị mà em đã thi đậu đại học. Do có thành tích tốt trong học tập, em đã được nhận học bổng trong suốt quá trình học phổ thông và đại học. Các cô, chú còn tặng máy tính xách tay để hỗ trợ em trong quá trình học tập. Đây là tài sản vô giá đối với em! Ước mơ làm cô giáo đã hình thành trong quá trình em tham gia lớp học tình thương này và nay ước mơ ấy đã thành hiện thực”. Hải My là một trong những học sinh từ buổi đầu thành lập lớp học và nay đã quay trở lại để truyền đạt những kiến thức của mình cho học sinh.
Trong những ngày cuối năm với nhiều hoạt động, thế nhưng lớp học tình thương khu phố 1 vẫn sáng đèn. Cứ sau giờ học ở trường lớp, các em lại đến trụ sở Ban điều hành khu phố 1 để được ôn bài và nghe truyền đạt thêm kinh nghiệm làm bài tập. Ánh đèn hắt sáng con đường trước cửa trụ sở ban điều hành.
Ông Nguyễn Công Bình, cho biết thêm: “Chúng tôi không thể nào quên sự đóng góp chân tình của các ông Trịnh Đào Công, Đức Hùng… Đó không chỉ là kinh phí để duy trì lớp học hay học bổng hàng tháng cho các cháu học phổ thông, đại học mà là cả tấm lòng với sự bình yên, phát triển khu phố. Các ông không những giúp cho các cháu nghèo, hiếu học được đến trường để thực hiện hoài bão của mình mà còn dõi theo từng bước chân của các cháu khi vừa xong chương trình đại học. Bằng uy tín và mối quan hệ của mình, các ông đã bảo lãnh cho nhiều cháu có công ăn, việc làm ổn định!”.
Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh ở các khu phố và phường lân cận đã tìm đến, xin cho con, em vào học. Ông Bình tâm sự: “Lực bất tòng tâm, chúng tôi buộc lòng phải từ chối nhận thêm. Bởi lẽ, trụ sở khu phố 1 không lớn. Mặt khác, để duy trì lớp học tình thương này phải được sự đồng thuận hỗ trợ kinh phí của các mạnh thường quân. Hy vọng một ngày không xa, chúng tôi sẽ vận động được thêm sự hỗ trợ để không phải từ chối bất cứ trường hợp nào”.