Lớp học linh động cho học sinh THPT

Năm học 2023-2024 là năm thứ hai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 triển khai ở cấp THPT. Thay đổi lớn nhất của chương trình so với trước đây là ngoài 8 môn học bắt buộc, học sinh được chọn 4/9 môn lựa chọn dựa theo năng lực, sở thích. Trong điều kiện phòng ốc và giáo viên còn hạn chế, phương án lớp học linh động ra đời nhằm giải quyết khó khăn cho các trường THPT ở TPHCM.

Thời khóa biểu linh động

Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) kết hợp mô hình lớp học truyền thống và lớp học linh động theo môn đăng ký của học sinh. Theo đó, ngoài các môn học bắt buộc theo lớp cố định vào buổi sáng, mỗi học sinh có một thời khóa biểu riêng vào buổi chiều với các môn lựa chọn. Đào Quốc Cường, học sinh lớp 11 chuyên Sử - Địa, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết, buổi sáng em học lớp chuyên Sử - Địa, đến chiều mỗi bạn trong lớp “tỏa” đi học một lớp khác nhau. “Em đăng ký 4 môn lựa chọn gồm Giáo dục kinh tế và pháp luật, Địa lý, Sinh học, Tin học vì các môn này phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân. Khi tham gia lớp học lựa chọn, em có thêm nhiều bạn mới, cùng chung môn học yêu thích nên đào sâu kiến thức tốt hơn”, Quốc Cường bày tỏ.

Cô Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chia sẻ, trường không thiết kế sẵn các nhóm tổ hợp môn học mà cho học sinh đăng ký theo nhu cầu và sở thích, nhờ vậy các em chủ động hơn trong học tập, phát huy năng lực cá nhân. Về phía giáo viên, do được dạy đúng đối tượng học sinh yêu thích môn học nên việc dạy học đạt hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu định hướng nghề nghiệp của CT GDPT 2018 ở cấp THPT.

O4a.jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM) tham gia lớp học theo môn tự chọn. Ảnh: KHÔI PHAN

Trước đó, mô hình lớp học linh động (còn gọi là lớp học “chạy”, lớp học di động…) được triển khai ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) và bước đầu áp dụng ở quy mô nhỏ (từ 1-2 môn học) tại một số trường THPT trên địa bàn TPHCM. Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho rằng: “Thực hiện tốt công tác tổ chức lớp vào đầu năm học lớp 10 giúp các trường đỡ áp lực giải quyết nhu cầu chuyển đổi môn học của học sinh sau khi kết thúc năm học. Căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị, trường có nhiều phòng học thì số môn lựa chọn nhiều hơn, trường có ít phòng thì số môn lựa chọn ít hơn, tiến đến cuốn chiếu ở cả 3 khối lớp”.

Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp

Tại Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), Phó Hiệu trưởng Đỗ Văn Đông thông tin, năm học 2022-2023, trường xây dựng tổ hợp môn học cố định gồm 2/4 môn lựa chọn, 2 môn còn lại học sinh được chọn theo sở thích và định hướng nghề nghiệp của các em. Năm đầu tiên triển khai CT GDPT 2018, trường có 4 tổ hợp môn học, năm học 2023-2024 tăng lên 5 tổ hợp. Dự kiến năm học 2024-2025, số tổ hợp sẽ tăng thêm để học sinh có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, cái khó của trường hiện nay là việc xây dựng các tổ hợp môn học còn lúng túng do chưa có phương án tuyển sinh cụ thể của các trường đại học năm 2025. Đó là chưa kể định hướng nghề nghiệp của nhiều học sinh ở đầu năm học lớp 10 chưa rõ ràng, hàng năm số lượng học sinh có nhu cầu chuyển đổi môn học vẫn rất lớn.

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Phạm Thị Bé Hiền cho hay, học sinh lớp 9 tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm nay là lứa học sinh cuối cùng của CT GDPT 2006 (chưa quy định các môn học tích hợp). Từ năm học 2025-2026 trở đi, học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS học CT GDPT 2018 với hai môn tích hợp là Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý. Do đó, các em sẽ khó khăn hơn khi lựa chọn môn học ở cấp THPT do cấp học này không có môn tích hợp.

Để giải quyết khó khăn trên, Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh (quận 12) Trịnh Duy Trọng cho rằng, khi triển khai CT GDPT 2018, trách nhiệm của trường THPT nặng nề hơn do phải tư vấn kỹ, giới thiệu cụ thể từng môn học cho học sinh và phụ huynh biết để đưa ra lựa chọn chính xác, tránh tình trạng học một thời gian thấy không phù hợp lại phải xin chuyển đổi môn học.

Theo Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) Lê Duy Tân, hiểu biết về môn học của các đối tượng học sinh không giống nhau. Do đó, thầy cô giáo cần tư vấn kỹ vào đầu năm học lớp 10, giúp học sinh hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trong việc lựa chọn môn học phù hợp định hướng nghề nghiệp. “Nếu học sinh phát hiện môn học lựa chọn không phù hợp năng lực thực tế thì nhà trường tạo điều kiện cho các em chuyển đổi môn học phù hợp. Thời gian tới, các trường THPT sẽ đánh giá lại hiệu quả triển khai CT GDPT 2018 ở hai khối 10 và 11, từ đó có phương án tổ chức phù hợp trước khi kết thúc lộ trình triển khai cuốn chiếu ở toàn cấp THPT vào năm học 2024-2025”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM thông tin.

CT GDPT 2018 quy định, ở cấp THPT, học sinh có 8 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương. Ngoài ra, học sinh phải chọn 4/9 môn học lựa chọn gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Tin cùng chuyên mục