Yêu thương học sinh như con mình
Từ trung tâm huyện Bù Đốp chạy lòng vòng hàng chục cây số qua nhiều con đường bê tông, chúng tôi đến điểm trường Thiện Cư thuộc Trường Tiểu học Thiện Hưng B, xã Thiện Hưng. Điểm trường hiện có 2 lớp, trong đó lớp 1 do cô giáo Lê Thị Mai, 46 tuổi, phụ trách, còn lớp 2 do cô giáo Nguyễn Thị Linh, 40 tuổi, phụ trách. Do trường chính cách khá xa, trong khi hầu hết gia đình các em đồng bào dân tộc thiểu số kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế, quanh năm vất vả để lo cơm áo, nên khó có điều kiện đưa đón con cái đi học mỗi ngày. Do đó, hai cô giáo vất vả gấp nhiều lần so với bình thường.
Cô Lê Thị Mai có thâm niên 22 năm đứng lớp, trong đó có 17 năm dạy tại các điểm trường lẻ, được đánh giá là người giàu năng lực và được học sinh yêu mến. Cô Mai cho biết: “Dạy học ở đây khác hoàn toàn vùng xuôi, vất vả hơn nhiều, giáo viên cần có kinh nghiệm và kiên nhẫn. Con em đồng bào S’tiêng ở đây đi học thiếu thốn đủ thứ. Mình phải quan tâm, yêu thương các em như con mình vậy. Quần áo đồng phục không có, mình phải đi xin tài trợ; sách bút, tập vở thiếu thốn, chưa bao bìa, chưa dán nhãn, mình phải đi mua về làm cho các em. Sáng sớm đến lớp, thấy em nào mệt mỏi, mình lại hỏi thăm, có khi em mệt và đói vì chưa ăn gì. Riêng dạy lớp 1, giáo viên còn gặp khó là các em chưa lưu loát tiếng Việt, nói ngọng, mình nói các em cũng khó nghe, khó hiểu”.
Để thuyết phục cha mẹ, học sinh đến lớp, các cô thường phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Phần lớn các gia đình ở đây đều ít đất canh tác hoặc chỉ có căn nhà duy nhất, đa phần họ phải đi làm thuê. Con lớn lập gia đình, con nhỏ cha mẹ đi làm phải dắt theo, hoặc lớn một chút là phải ở nhà phụ giúp cha mẹ cơm nước, giữ em. “Hiện nay, vào điểm trường đã có đường bê tông, chứ trước đây nắng bụi mịt mù, mưa thì lầy lội, từ trung tâm huyện Bù Đốp đi hơn tiếng đồng hồ mới vào đến đây dù quãng đường chỉ hơn 10km...”, cô Mai tâm sự.
Cô giáo kiêm bảo mẫu
Theo 2 cô giáo, trong lớp có những em hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt, nếu không có sự chung tay của nhà trường, của lãnh đạo phòng GD-ĐT, chính quyền các cấp và mạnh thường quân thì rất khó để các em được cắp sách đến trường. “Như trường hợp gia đình em Điểu Vũ, nhà có tới 9 anh chị em, trong khi ba của em vừa bị tai nạn nằm một chỗ, mẹ bệnh tim, hoàn cảnh rất đáng thương. Tụi mình phải báo lên lãnh đạo, sau đó huyện vận động, rồi được mạnh thường quân hỗ trợ một phần cho gia đình em Vũ. Không riêng gì Vũ, trong số học trò ở đây còn có nhiều hoàn cảnh rất đáng thương như vậy”, cô Mai kể.
Cô Mai có chồng cũng là giáo viên, hai con gái đầu đang học đại học, còn cô út học cấp 3. Còn cô Linh có chồng là công an xã và 3 con gái còn nhỏ. Nói về thu nhập, hai cô cho biết, nếu khéo vun vén thì mọi chuyện cũng ổn, được cái ở đây vật giá tiêu dùng không cao lắm và vợ chồng, con cái đều khỏe mạnh nên cuộc sống tạm ổn. Nói về những khó khăn khi dạy học ở điểm trường này, cô Linh cho biết: “Cực nhất là thời điểm đầu năm. Chúng tôi phải đi từng nhà vận động cho con em đến trường. Ngoài làm công tác tư tưởng với cha mẹ, chúng tôi còn thủ thỉ trò chuyện với các cháu, nhiều khi “chiêu dụ” đủ kiểu, phải lo cho các em tập vở, quần áo đồng phục, làm sao để chúng vui thích và chịu đến trường”.
Thầy Huỳnh Ngọc Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiện Hưng B, cho biết thêm, điểm trường Thiện Cư thuộc Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Phước được Bộ GD-ĐT triển khai nhiều năm qua.
Để khích lệ tinh thần học tập cho các em, cũng như để các bậc phụ huynh yên tâm cho con em đến lớp, địa phương dành ưu tiên tối đa cho điểm trường này. Điểm trường chính có gì thì điểm trường này cũng có, từ bàn ghế, tivi, máy tính đến đồng phục, sách vở, bút viết, học bổng. Các em chỉ phải đóng tiền bảo hiểm y tế là khoản bắt buộc theo quy định của Nhà nước. Nhưng ngay cả khoản tiền bảo hiểm này, nhiều khi các em cũng không phải đóng toàn bộ, mỗi khi địa phương xin được tài trợ là lại đóng thay cho các em.